Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thanh Hóa: Đồng bào Mông chung tay xây dựng nếp sống văn hóa trong tang lễ

Quỳnh Trâm - 09:17, 06/09/2024

Để chung tay xây dựng nếp sống văn hóa mới trong từng bản làng, nếp nhà của đồng bào, bao năm qua, đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín, trưởng các dòng họ người Mông đã luôn nêu gương, đi đầu thực hiện, đồng thời tích cực tuyên truyền vận động cho bà con trong bản, trong dòng họ người Mông làm theo. Điển hình nhất là việc đã thay đổi được tập quán của đồng bào Mông ở các huyện vùng cao trong việc thực hiện việc tang lễ theo nếp sống văn hóa là, đưa người mất vào quan tài để giữ gìn môi trường, sức khỏe, tiết kiệm tiền bạc.

Hủ tục không đưa người chết vào quan tài của người Mông đã được lưu truyền hàng trăm năm, ăn sâu vào nhận thức của đồng bào. Vì thế, để xóa bỏ hủ tục trong tang ma, xây dựng nếp sống văn hóa mới, không phải là việc có thể diễn ra nhanh chóng, mà quá trình này phải từng bước chuyển biến và kéo dài hàng chục năm. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong công tác vận động, tuyên truyền, triển khai phát huy hiệu quả của các chính sách dân tộc, có sự đóng góp quan trọng của các già làng, trưởng bản, Người có uy tín, trưởng các dòng họ người Mông. Họ không chỉ là người đi đầu trong việc thực hiện nếp sống văn hóa mới, mà còn là những người tích cực tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ các hủ tục lạc hậu.

Người có uy tín, trưởng các dòng họ ở Mường Lát đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền vận động thực hiện theo nếp sống văn hóa mới trong tang trong cưới xin, tang lễ vùng đồng bào Mông
Người có uy tín, trưởng các dòng họ ở Mường Lát đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền vận động thực hiện theo nếp sống văn hóa mới trong việc tang, trong cưới xin, tang lễ vùng đồng bào Mông

Vai trò của các già làng, trưởng bản, Người có uy tín, trưởng dòng họ trong việc xóa bỏ hủ tục, không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giải thích, họ là những người nêu gương, trực tiếp thực hiện các nghi lễ trong tang ma của gia đình mình theo nếp sống mới, từ đó tạo được niềm tin và sự ủng hộ từ cộng đồng. Với sự đồng lòng, họ đã dần thay đổi cách nhìn của người dân về việc thực hiện tang lễ, từ bỏ những nghi thức mê tín, dị đoan và thay vào đó là những nghi lễ mang tính nhân văn, tiết kiệm và đúng với tinh thần văn hóa mới.

Điển hình như ở bản Pá Búa, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, là một trong những bản người Mông cách xa trung tâm xã Trung Lý, hiện nay có 120 hộ, 759 nhân khẩu. Nhắc đến câu chuyện đưa người mất vào quan tài, Bí thư Chi bộ Giàng A Này cho biết: Bản có 6 dòng họ là Sùng, Giàng, Thào, Cứ, Phàng, Hàng (hay còn gọi Hạng). Đây là một trong những bản thực hiện đưa người mất vào quan tài sớm ở Trung Lý, trong đó dòng họ Sùng thực hiện đưa người mất vào quan tài đầu tiên ở bản, cũng chính là người nhà của Trưởng bản Sùng A Thể.

Ở vùng đồng bào DTTS, để bà con tin, nghe theo thì cán bộ đều phải là người noi gương trước. Nghĩa là phải tuyên truyền trong gia đình, dòng họ mình rồi đến bà con, dòng họ khác. Vì vậy, Trưởng bản Sùng A Thể vừa là người trong dòng họ Sùng, vừa là cán bộ nên khi anh gương mẫu thực hiện, trong dòng họ hay trong bản đều được bà con tín nhiệm, nghe theo.

UBND xã Trung Lý trao tặng danh hiệu gia đình văn hóa và gia đình văn hóa 3 năm liên tục (2021 - 2023) cho các hộ gia đình của bản(ảnh CTV)
UBND xã Trung Lý trao tặng danh hiệu gia đình văn hóa và gia đình văn hóa 3 năm liên tục (2021 - 2023) cho các hộ gia đình của bản. (Ảnh: CTV)

Nhớ lại lần đầu tiên dòng họ thực hiện tang lễ đưa người chết vào quan tài, anh Sùng A Thể kể lại: Năm 2018, em họ mình là Sùng A Tùng (SN 1995) khi đi bắt cá ở suối đã bị đuối nước. Dòng họ lúc này bàn bạc để thực hiện tang lễ cho người mất. Những người lớn tuổi thì vẫn muốn thực hiện theo nếp cũ, tức là không đưa vào quan tài, nhưng anh Thể quyết tâm thực hiện theo văn hóa mới, là phải đưa người chết vào quan tài để đảm bảo vệ sinh môi trường, tổ chức đơn giản, tránh kéo dài nhiều ngày gây lãng phí tốn kém. Với vai trò là trưởng bản, cũng là người trong dòng họ Sùng, anh Thể đã khéo léo giải thích, thuyết phục để dòng họ nghe theo. Vì vậy, đám tang của Sùng A Tùng diễn ra thuận lợi. Kể từ năm 2018 đến tháng 6/2024, Pá Búa có 4 trường hợp người mất được đưa vào quan tài và thực hiện nếp sống văn hóa mới trong tang lễ.

Hay tại xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, là một xã có tới gần 100% dân tộc Mông. Những năm gần đây, đời sống của bà con có nhiều đổi thay, có cái ăn cái mặc nhờ các chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước. Bà Sung Thị Xia, Phó Chủ tịch xã Nhi Sơn cho biết, hiện 100% các tang lễ trên địa bàn đều được tổ chức theo văn hóa mới. Nhờ xóa bỏ các hủ tục, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống người dân được nâng cao.

"Để có được kết quả này, có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín, trưởng các dòng họ người Mông. Họ là những người luôn đi đầu nêu gương và tuyên truyền cho các thành viên trong dòng tộc thực hiện tang ma theo nếp sống văn hóa mới. Điển hình như các ông: Sung Văn Lự, là Người uy tín, trưởng dòng họ Sung và là Người có uy tín bản Cặt, xã Nhi Sơn; Hơ Tông Cợ, trưởng họ Hơ ở bản Cặt; Thao Nhia Chứ, trưởng họ Thao, bản Kéo Hượn; Gia Văn Sinh, Người có uy tín, trưởng dòng họ gia bản Lốc Há", Phó Chủ tịch Sung Thị Xia thông tin.

Việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong tang ma đã trở thành một phong trào lan rộng tại các bản làng người Mông ở huyện Mường Lát
Việc thực hiện nếp sống văn hóa mới đã trở thành một phong trào lan rộng tại các bản làng người Mông ở huyện Mường Lát

Nhờ vào vai trò quan trọng của các già làng, trưởng bản, Người có uy tín, trưởng dòng họ, việc thực hiện nếp sống văn hóa mới trong tang ma đã trở thành một phong trào lan rộng tại các bản làng người Mông ở huyện Mường Lát. Điều này không chỉ góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu mà còn nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của đồng bào, xây dựng một cộng đồng ngày càng văn minh, tiến bộ, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông trong thời kỳ mới.

Chị Trương Thị Huyên, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết: Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020”, đã góp phần thay đổi, xóa bỏ hủ tục trong tang ma ở đồng bào dân tộc Mông.

Năm 2024 huyện Mường Lát tiếp tục triển khai thực hiện nếp sống văn hóa trong cưới xin, tang lễ vùng đồng bào Mông, trong đó, tổ chức hội nghị thực hiện nếp sống văn hóa trong cưới xin, tang lễ vùng đồng bào Mông cho Người có uy tín, trưởng dòng họ, già làng, ban quản lý các bản Mông trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, Phòng Dân tộc đã xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND huyện tổ chức Hội nghị bàn và thống nhất xóa bỏ các hủ tục, lạc hậu không còn phù hợp trong cưới xin và tang lễ của đồng bào Mông, dự kiến tổ chức thực hiện thí điểm tại 2 xã Pù Nhi, Nhi Sơn.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.