Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thực hiện Chương trình MTQG 1719: Kỳ vọng sự phát triển toàn diện vùng DTTS & miền núi Như Thanh

Quỳnh Trâm - 16:56, 19/09/2024

Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt Chương trình MTQG 1719) đang mang lại những chuyển biến rõ rệt ở huyện Như Thanh, Thanh Hóa. Kết quả này, là từ sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương đối với các dự án, nội dung thành phần của Chương trình, qua đó từng bước giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết về dân sinh và thúc đẩy sự phát triển trong vùng đồng bào DTTS.

Như Thanh là một huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, với 14 xã, thị trấn và 159 thôn, khu phố, trong đó có 2 xã và 17 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn còn nhiều khó khăn do địa hình đồi núi hiểm trở, hạ tầng hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều.

 Tuy nhiên, từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719, các dự án, nội dung thành phần của Chương trình được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Qua đó, được kỳ vọng mang lại sự đổi thay toàn diện vùng DTTS huyện miền núi Như Thanh.

 Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của Nhân dân, nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng khang trang ở huyện miền núi Như Thanh
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của Nhân dân, nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng khang trang ở huyện miền núi Như Thanh

Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2023, đã có 42 công trình cơ sở hạ tầng, với tổng kinh phí 37 tỷ đồng đã được xây dựng, bao gồm 11 công trình giao thông, 2 công trình nước sinh hoạt tập trung, 21 nhà văn hóa thôn, 5 trường học, 2 công trình tràn giao thông, và 1 công trình đường điện chiếu sáng. 

Những hạng mục này, không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống, mà còn thúc đẩy sự kết nối giữa các khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, sản xuất, và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân.

Hiện, huyện Như Thanh đã triển khai 9/10 dự án trong khuôn khổ chương trình, với tổng kinh phí hỗ trợ từ Trung ương hơn 60 tỷ đồng, đi sâu vào các lĩnh vực thiết yếu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của vùng DTTS và miền núi.

Điển hình như Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, là một trong những điểm sáng quan trọng của Chương trình MTQG 1719 tại huyện Như Thanh. Được triển khai với kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, dự án đã thực hiện 5 dự án phát triển sản xuất cộng đồng tại các xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Cán Khê và Phượng Nghi.

Nhờ các dự án này, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản, góp phần tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Việc phát huy tiềm năng kinh tế địa phương, kết hợp với mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, đã tạo ra những thay đổi tích cực, giúp đồng bào DTTS nâng cao đời sống và vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Nhiều hộ nghèo ở trên địa bàn huyện Như Thanh được hỗ trợ từ nguồn vốn phát triển sản xuất
Nhiều hộ nghèo ở trên địa bàn huyện Như Thanh được hỗ trợ từ nguồn vốn phát triển sản xuất

Là một trong những hộ nghèo được thụ hưởng từ dự án trên, anh Nguyễn Văn Quân, thôn Đồng Lấm, xã Thanh Tân, phấn khởi chia sẻ: Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Qua bình xét, gia đình được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò sinh sản từ Dự án phát triển sản xuất cộng đồng. Vay mượn thêm họ hàng 4 triệu để làm vốn đối ứng, anh Quân mua bò trị giá 14 triệu đồng về nuôi. 

"Sau vài năm chăm sóc, từ con bò ban đầu, nay đã phát triển thêm 2 con bê. Nhờ đó, gia đình đã có sinh kế ổn định. Chương trình 1719 thực sự đã giúp chúng tôi có cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững.", anh Quân phấn khởi thông tin.

Bên cạnh đó, huyện Như Thanh cũng tập trung nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống. Năm 2023, huyện Như Thanh đã triển khai 18 công trình cơ sở hạ tầng, với tổng kinh phí hơn 13,6 tỷ đồng. Trong đó, có 12 công trình khởi công mới và 6 công trình duy tu, bảo dưỡng, bao gồm nhà văn hóa, công trình giao thông, trường học, và điện chiếu sáng.

Việc đầu tư hạ tầng giao thông và các công trình thiết yếu, không chỉ giải quyết khó khăn trong việc di chuyển, học tập, và sinh hoạt mà còn tạo điều kiện để đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư, và phát triển du lịch địa phương.

Chương trình MTQG 1719 tại huyện Như Thanh còn đặc biệt chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực, thông qua việc đầu tư giáo dục và đào tạo nghề cho đồng bào DTTS. Trong năm 2023, huyện Như Thanh đã tổ chức 13 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 455 học viên và 29 lớp tập huấn hướng nghiệp tại các xã, thị trấn và trường học. Các khóa học này không chỉ giúp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, mà còn mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm, giải quyết vấn đề lao động trong khu vực DTTS&MN.

Các hộ sử dụng đồng vốn phát triển các loại cây cho giá trị kinh cao
Các hộ sử dụng đồng vốn phát triển các loại cây cho giá trị kinh cao

Đồng thời, các tiểu dự án phát triển giáo dục tại trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú,cũng đã giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, cải thiện điều kiện học tập, góp phần xây dựng nguồn nhân lực trẻ có trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS trong tương lai.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 tại Như Thanh, không thể không kể đến vai trò chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Từ việc phân bổ nguồn vốn hợp lý, triển khai đúng tiến độ các dự án, đến việc giám sát, đôn đốc thực hiện đều được chính quyền địa phương thực hiện sát sao. 

Theo đó, từ sự đồng lòng, thống nhất trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo và hưởng ứng tích cực của Nhân dân, các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 đã mang lại những kết quả tích cực, tạo nên những bước đột phá quan trọng cho sự phát triển của huyện.

Bà Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết: Trong những năm qua, tình hình phát triển KT-XH trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến rõ rệt, huyện Như Thanh luôn được đánh giá, là tốp đầu trong các lĩnh vực giảm nghèo nhanh (năm 2021 là 11,8%, đến năm 2023 là 3,7%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS&MN năm 2021 là 14,08%, đến năm 2023 là 4,17%). Đặc biệt, công tác xây dựng NTM đạt nhiều thành quả cao, huyện phấn đấu năm 2024 về đích huyện NTM. 

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.