Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Huyện Lang Chánh (Thanh Hóa): Lan tỏa tích cực từ những điển hình tiên tiến

Quỳnh Trâm - 15:19, 01/11/2024

Nhờ phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc, đặc biệt các Chương trình mục tiêu quốc gia, sự đồng lòng của Nhân dân, trong đó có đội ngũ những Người có uy tín đã tích cực, trách nhiệm đi đầu trong các phong trào mà đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đang có những bước tiến đáng kể. Nổi bật là kết quả giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, toàn huyện chỉ còn 1 xã và 14 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Nhiều gương điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Lang Chánh có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024
Nhiều gương điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Lang Chánh có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024

Những tấm gương điển hình

Lang Chánh là huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tới 89,8%. Giai đoạn 2021-2023, mỗi năm huyện có khoảng 75 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đây là những già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn, cán bộ hưu trí và những người lao động sản xuất giỏi.

Họ là những tấm gương sáng, không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, mà còn góp phần quan trọng trong việc vận động người dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Một trong những điển hình tiêu biểu tại Lang Chánh, là ông Lê Trung Chớng ở thôn Tân Phong, xã Tân Phúc. Là Người có uy tín trong cộng đồng, ông Chớng không chỉ tuyên truyền, vận động người dân tích cực phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới. Bản thân ông Chớng đã hiến tặng 3.500 mét vuông đất và khoảng 150 bụi luồng đang trong độ khai thác để làm đường giao thông.

Ông Lê Trung Chớng cho biết: Tôi luôn tâm niệm rằng, việc đóng góp cho sự phát triển của quê hương, là trách nhiệm của mỗi người dân. Việc hiến đất làm đường giao thông là cần thiết, bởi không chỉ giúp con em có con đường thuận lợi đến trường, mà còn góp phần nâng cao đời sống của bà con. Khi đường xá thông thoáng, việc buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân cũng dễ dàng hơn, kinh tế phát triển hơn. Bà con trong thôn, xã cũng rất đồng lòng.

Chính từ những suy nghĩ đó, ông Chớng đã đi đầu trong hiến đất làm đường và vận động các hộ dân xung quanh cùng tham gia hiến đất, đóng góp công sức để chung tay xây dựng đường giao thông nông thôn. Việc làm này không chỉ mang lại lợi ích trước mắt, mà còn là nền tảng cho sự phát triển lâu dài, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn của xã Tân Phúc.

Hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện Lang Chánh ngày càng được đầu tư khang trang
Hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Lang Chánh ngày càng được đầu tư khang trang

Một điển hình trong lĩnh vực lao động sản xuất đó bà Lương Thị Niệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp an toàn và hữu cơ Lang Chánh. Bà Niệm đã thực hiện thành công vùng sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh, tại thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương, với diện tích lên tới 50ha. Bà Niệm không chỉ là người đi đầu trong việc sản xuất nông nghiệp an toàn, mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Đây là mô hình liên kết giữa hợp tác xã và các hộ nông dân, giúp tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong và ngoài huyện, đồng thời góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. 

"Tôi luôn trăn trở làm thế nào để sản xuất nông nghiệp không chỉ làm giàu cho cá nhân tôi, mà còn giúp bà con DTTS thoát nghèo. Tôi mong muốn, hợp tác xã sẽ là nơi để mọi người cùng nhau phát triển, không chỉ về kinh tế mà còn là sự gắn kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp”, bà Niệm chia sẻ.

Lực lượng nòng cốt lan tỏa những giá trị tích cực

Ngoài những tấm gương điển hình trên, huyện Lang Chánh còn có một đội ngũ trí thức, Người có uy tín và doanh nhân DTTS hùng hậu. Theo thống kê, năm 2023, huyện có 895 nhân sĩ trí thức và 9 doanh nhân người DTTS. Đây là những người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lan tỏa những giá trị tích cực và định hướng cho cộng đồng. Họ là những tấm gương sáng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, đồng thời góp phần thành công vào Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS miền núi giai đoạn 2021-2025.

Từ thực tiễn cho thấy, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và trợ lực từ chính sách dân tộc, đặc biệt là các chương trình MTQG, cùng với ý thức tự lực, tự cường của những tấm gương điển hình tiên tiến, sự đoàn kết đồng lòng của Nhân dân đã giúp huyện Lang Chánh đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, và xóa đói giảm nghèo.

Những điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Lang Chánh luôn nêu gương trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Những điển hình tiên tiến trên địa bàn huyện Lang Chánh luôn nêu gương trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Theo đó, những năm qua tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 16% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người hằng năm tăng; năm 2023 đạt 28,9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,57% năm 2021 xuống còn 21,2% cuối năm 2023.

Đến nay, toàn huyện đã có 2/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 30 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đã có 6 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP “3 sao” gồm: Kẹo nhãn Châu Lang, tinh dầu ngải cứu, mật ong rừng Chí Linh Sơn, muối mắc khẻn Mường Đeng, rượu siêu men lá Bình An, măng khô Bình Minh.

Ông Đỗ Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh nhận định, những tấm gương điển hình tiên tiến, những Người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân là những nhân tố tích cực, là cầu nối cùng cấp ủy, chính quyền trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tin cùng chuyên mục