Đóng góp quan trọng thực hiện Chương trình xây dựng NTM
Thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Những năm qua, bản làng đang từng ngày thay đổi, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của bà Lê Thị Thời, Bí thư Chi bộ thôn Chiềng Khạt trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng NTM.
Qua tìm hiểu được biết, trước khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn Chiềng Khạt lúc đó có 238 hộ dân, phần lớn là đồng bào DTTS. Khó khăn lớn nhất của thôn này, là cơ sở hạ tầng yếu kém. Đặc biệt là đường giao thông chủ yếu là đường đất, vào mùa mưa lầy lội khiến giao thông bị cản trở. Bên cạnh đó nhiều người dân vẫn còn tư tưởng lo ngại nếu tham gia xây dựng NTM, thì các chính sách hỗ trợ sẽ bị cắt giảm sau khi hoàn thành Chương trình.
Nhận thấy điều này, bà Thời cùng Chi ủy Chi bộ thôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa lâu dài của Chương trình nông thôn mới; Đồng thời, khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Bà cũng phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm gương để người dân tin tưởng và noi theo.
Bằng sự tận tụy và uy tín của mình, bà Thời đã vận động Nhân dân đóng góp kinh phí và ngày công lao động để xây dựng hạ tầng thiết yếu, như bê tông hóa đường làng, ngõ xóm và xây dựng nhà văn hóa thôn. Kết quả là toàn bộ hệ thống giao thông trong thôn đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống và sản xuất của người dân.
Không chỉ dừng lại ở cơ sở hạ tầng, bà Thời còn khuyến khích bà con phát triển các mô hình kinh tế như trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của thôn năm 2022 đã đạt 33,5 triệu đồng. Cuộc sống của người dân dần đổi thay, và họ ngày càng tin tưởng, quý mến bà Lê Thị Thời – người luôn hết lòng vì sự phát triển của Chiềng Khạt.
“Để triển khai xây dựng NTM hiệu quả, Chi ủy Chi bộ thôn xác định, phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Chương trình, từ đó khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Đồng thời, khi triển khai thực hiện các tiêu chí NTM cần phát huy vai trò gương mẫu làm trước của mỗi cán bộ, đảng viên để người dân làm theo”, bà Lê Thị Thời chia sẻ.
Phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng với dân
Cũng là một trong những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương, từ năm 2015, ông Lê Trọng Đính được người dân thôn Tân Thành, xã Tân Phúc, suy tôn là Người có uy tín.
Những năm gần đây, để góp phần thúc đẩy các phong trào hoạt động của thôn thực chất, hiệu quả, ông đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của mình. Trong đó, tích cực phối hợp với cấp ủy, Ban công tác mặt trận đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó, gần đây là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Điển hình như, triển khai các dự án, nội dung của Chương trình, bằng uy tín, tiếng nói của mình, ông Đính đã cùng với các đảng viên trong Chi ủy, Ban công tác Mặt trận thôn vận động Nhân dân góp công, góp của để nâng cao, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho thôn. Cụ thể, vận động bà con đóng góp tiền và hơn 4.530 ngày công lao động, hiến khoảng 1.200m2 đất để xây dựng nhà văn hóa, với trị giá là 600 triệu đồng; bê tông hóa 3km đường giao thông nội thôn; kiên cố hóa 1km giao thông nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ sự đồng lòng, chung sức của người dân kết hợp với nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG của tỉnh và huyện, đầu năm 2019 Tân Thành đã được công nhận thôn NTM.
Đặc biệt, ông Đính còn gương mẫu, đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi. Cụ thể, gia đình ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông còn chú trọng chia sẻ kinh nghiệm, tạo động lực để bà con trong bản cùng phát triển kinh tế, xóa nghèo hiệu quả, như việc vận động các hộ trong thôn thực hiện cải tạo vườn tạp, trồng xoài keo với diện tích khoảng 2ha và trồng rau sạch cung cấp cho thị trường. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình trong thôn đã có thêm nguồn thu nhập nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Huyện Lang Chánh có 52.698 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 89,8%. Qua bình chọn và tôn vinh, toàn huyện hiện có 75 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đội ngũ Người có uy tín của huyện đã phát huy vai trò “cầu nối” đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến với Nhân dân, "trung tâm" đoàn kết các dân tộc. Đặc biệt, họ là những người rất tích cực trong công tác tuyên truyền và vận động đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, giữ gìn an ninh - trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống, mong được cống hiến thật nhiều cho gia đình và xã hội, cũng đã có không ít Người có uy tín đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt”.
Ông Lê Văn Luyến, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lang Chánh khẳng định thêm, những Người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Lang Chánh đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình với cộng đồng dân cư. Trong đội ngũ những Người có uy tín, có những người tuy tuổi đã cao, nhưng họ không quản ngại khó khăn, luôn tích cực đi đầu trong mọi phong trào thi đua.
Đặc biệt, họ đang đóng góp quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền cho đồng bào cùng thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ có sự đóng góp của Người có uy tín, đến nay, toàn huyện đã có 2/9 xã và 3 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 2 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...