Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những người "khoác áo mới" cho miền núi Thanh Hóa

Quỳnh Trâm - 09:25, 02/11/2024

Những năm qua, cùng với nỗ lực vượt khó, vận dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế gia đình; đồng lòng, chung sức với cấp ủy, chính quyền để xây dựng quê hương, thì đồng bào các DTTS tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, sát cánh cùng các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương. Khối đại đoàn kết đó có đóng góp quan trọng của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, Người có uy tín. Họ chính là những người góp phần "khoác áo mới" cho thôn bản miền Tây xứ Thanh.

Những “nhịp cầu” góp phần tạo diện mạo mới ở miền núi Thanh Hóa
Ông Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Mường Chanh, huyện Mường Lát

Việc khó thành dễ

Tà Cóm là bản sâu nhất, xa nhất, khó khăn nhất của xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Bao bọc xung quanh Tà Cóm là những dãy núi cao của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu và dòng sông Mã hùng vĩ.

Đường giao thông không thuận lợi, chưa có sóng điện thoại, điện lưới cũng vừa mới được kéo tới... nên cái nghèo cứ mãi đeo bám Tà Cóm. Cả bản có 106 hộ, trên 600 nhân khẩu (100% dân tộc Mông), thì trên 90% là hộ nghèo và cận nghèo.

Chính vì “đi qua vướng núi, trở lại mắc sông”, đời sống còn quá nhiều khó khăn nên Tà Cóm thường trực nguy cơ trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự. Đặc biệt, Tà Cóm từng một thời là “vùng đỏ” về tệ nạn ma túy khi có khoảng 50% gia đình trong bản có người nghiện; nhiều gia đình cả vợ và chồng đều là nô lệ của “nàng tiên nâu”.

Giai đoạn 2023 – 2027, theo Quyết định số 4461/QĐ-UBND ngày 14/12/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 1.281 Người có uy tín tại 1.281 thôn, bản, khu phố của 183 xã, thị trấn thuộc 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi.

Ma túy dễ nghiện, khó cai; nhất là khi trên địa bàn sinh sống có nhiều người cùng nghiện và không có được sự động viên, nhắc nhở kịp thời từ những người có tiếng nói, có uy tín trong gia đình, cộng đồng. Điều này đã đúng ở Tà Cóm.

Trưởng bản Tà Cóm, ông Thào A Sự nhớ lại thời gian khoảng 20 năm trước, từ một bản yên bình, Tà Cóm trở nên xác xơ, tiêu điều vì tệ nạn ma túy. Đến năm 2020, bản vẫn còn 26 người nghiện và 3 người nghi nghiện ma túy; 12 người đang chấp hành án phạt tù và 15 người đã chấp hành xong án phạt tù vì liên quan đến ma túy.

Để từng bước chuyển hóa Tà Cóm thành “vùng xanh”, chính quyền địa phương, lực lượng Công an, Biên phòng đã tăng cường tuyên truyền về phòng chống tệ nạn ma túy cho người dân Tà Cóm. Trong công tác tuyên truyền, việc phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, Người có uy tín được đặc biệt chú trọng.

Trưởng bản Tà Cóm Thào A Sự cho biết, năm 2018, ở bản đã thành lập mô hình “Dòng họ chống ma túy”. Mô hình này thực sự giúp bản chuyển biến rõ rệt, nhiều người nghiện đã tự nguyện đi cai, sau khi trở về, đã trực tiếp tham gia tuyên truyền người dân từ bỏ ma túy.

“Ở bản có dòng họ Hờ làm rất tốt công tác đấu tranh chống ma túy. Trước đây, dòng họ này có số người nghiện đông nhất bản, nhưng hiện chỉ còn 1 - 2 trường hợp”, ông Sự cho biết.

Những “nhịp cầu” góp phần tạo diện mạo mới ở miền núi Thanh Hóa 1
Đường vào bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát

Theo ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, từ hiệu quả của mô hình “Dòng họ chống ma túy”, năm 2023, xã thành lập thêm mô hình “Bản tự quản phòng, chống ma tuý”. Thành viên chính của mô hình là trưởng bản và Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Với những nhân sự chủ chốt đó, mô hình phòng, chống ma túy ở Tà Cóm đã phát huy hiệu quả, đưa Tà Cóm từ “vùng đỏ” chuyển dần sang “vùng xanh”; cả bản hiện chỉ còn khoảng 8 - 9 người nghiện.

Nhưng để Tà Cóm thực sự bình yên, thì cần nhiều hơn thế, nhất là phải xóa đói, giảm nghèo. Với điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bản Tà Cóm là địa bàn đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, cho đồng bào các DTTS. Lúc này, những “đầu tàu” trong phát triển kinh tế ở bản Tà Cóm đóng vai trò là “nhịp cầu” để đưa chính sách của Nhà nước “neo đậu” ở bản.

Năm 2017, gia đình ông Thào A Thái là hộ đầu tiên của bản Tà Cóm thoát khỏi diện nghèo. Từ chỗ quanh năm làm không đủ ăn, được hỗ trợ phát triển sản xuất, vay tín dụng ưu đãi, ông Thái đã đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Kinh tế gia đình khấm khá, ông hướng dẫn bà con trong bản cùng vay vốn làm ăn, còn tặng bò giống cho một số hộ đặc biệt khó khăn trong bản. Nhờ đó, trong bản có nhiều gia đình tự lực vươn lên thoát nghèo. Ông Thào A Thái được bầu chọn là Người có uy tín của bản Tà Cóm.

Vun đắp “điểm tựa” của bản làng

Tà Cóm là một trong rất nhiều thôn bản ở miền Tây Thanh Hóa đã và đang khoác lên mình diện mạo mới. Không chỉ khởi sắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế,... mà tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững, đời sống văn hóa ngày càng được nâng lên, nhiều hủ tục trong đời sống được đẩy lùi.

Những “nhịp cầu” góp phần tạo diện mạo mới ở miền núi Thanh Hóa 2
Ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra công trình từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 tại huyện Bá Thước

Theo ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, để khu vực miền núi của tỉnh có được diện mạo đó, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, thì đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, Người có uy tín trong đồng bào DTTS có vai trò đặc biệt quan trọng. Họ là điểm tựa của bản làng, là những “nhịp cầu” giữ bình yên thôn bản.

“Để vun đắp điểm tựa của bản làng, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm chăm lo, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Bên cạnh thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách, thì tỉnh cũng kịp thời biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS, từ đó động viên, khích lệ và lan tỏa”, ông Bình cho biết.

Từ nguồn lực của Nhà nước, sự đồng lòng, chung sức của đồng bào các DTTS, diện mạo nông thôn, miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã chuyển biến rõ nét. Lũy kế đến hết 30/6/2024, 11 huyện miền núi có 68 xã, 691 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã và 58 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân đạt 13,83 tiêu chí/xã.

Theo ông Bình, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Người có uy tín, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu trong đồng bào các DTTS; từ đó, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp.

"Đặc biệt, dự kiến trong tháng tỉnh sẽ tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV - năm 2024. Tại Đại hội sẽ tôn vinh những cá nhân, tập thể tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc. Đây sẽ là những hạt nhân lan tỏa, thực hiện thắng lợi các mục tiêu quyết tâm thư của Đại hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh”, ông Bình cho hay.

Việc biểu dương, tôn vinh điển hình tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV tiếp tục là nguồn động viên để những điển hình tiên tiến  phát huy vai trò nêu gương trong các phong trào thi đua, các hoạt động ở cơ sở, góp phần làm nên diện mạo mới ở các thôn bản vùng đồng bào DTTS và miền núi Thanh Hóa.

Trước đó, trong giai đoạn 2021 – 2023, tỉnh đã tổ chức tôn vinh 150 đại biểu đại diện cho hàng ngàn Người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu thuộc vùng đồng bào các DTTS của 17 huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh; sự kiện được tổ chức ngày 27/12/2023.

Những “nhịp cầu” góp phần tạo diện mạo mới ở miền núi Thanh Hóa 3
Các đại biểu dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023, được tổ chức ngày 27/12/2023

Tại Hội nghị biểu dương này, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh đã khẳng định, đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu trong đồng bào các DTTS đã phát huy vai trò của mình, luôn gương mẫu đi đầu thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Nhiều người là trung tâm đoàn kết, vận động gia đình, dòng họ, bản, làng, Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ đường biên, cột mốc chủ quyền quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn vững mạnh. Những việc làm đó đã trực tiếp góp phần quan trọng vào sự phát triển của khu vực miền núi và vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh khẳng định.

Tin cùng chuyên mục