Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những “cột mốc sống” ở vùng biên Thanh Hóa

Quỳnh Trâm - 10:41, 21/10/2024

Ở vùng biên cương của tỉnh Thanh Hóa, có những con người bình thường nhưng mang trong mình lòng yêu nước và trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc. Họ chính là những “cột mốc sống” nơi biên giới, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Anh Giàng A Chìa (thứ 3 từ bên phải) là một trong số những tấm gương tự nguyện cùng Bộ đội Biên phòng ngày đêm bảo vệ từng cột mốc biên giới.
Anh Giàng A Chìa (thứ 3 từ bên phải) là một trong số những tấm gương tự nguyện cùng Bộ đội Biên phòng ngày đêm bảo vệ từng cột mốc biên giới.

Giữ gìn mốc giới biên cương

Anh Giàng A Chìa, dân tộc Mông, ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát là một trong số những tấm gương tự nguyện cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ từng cột mốc biên giới. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng Giàng A Chìa đã có thời gian hơn 20 năm tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.

Tỉnh Thanh Hóa có 213,6km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, có 5 huyện biên giới gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân. 16 xã biên giới của tỉnh giáp với 3 huyện Xốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ của tỉnh Hủa Phăn, Lào.


Hành trang tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới, ngoài những vật dụng đi rừng cần thiết, Giàng A Chìa còn mang theo một can nước sạch để lau chùi cột mốc, đảm bảo cột mốc luôn sạch sẽ. Dù thời tiết nắng nóng hay mưa rét, cứ mỗi tháng một lần anh lại lên thăm, kiểm tra cột mốc. Dấu chân của anh đã quá đỗi thân quen, in đậm trên cung đường rừng hơn 10km này.

Nói về tinh thần tự nguyện bảo vệ cột mốc, anh chia sẻ rằng, đó là một niềm vinh dự và tự hào lớn đối với bản thân anh và gia đình. Anh Chìa luôn coi việc bảo vệ cột mốc không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách anh thể hiện lòng biết ơn với đất nước đã cho gia đình anh cuộc sống bình yên và cơ hội phát triển.

Anh Chìa bộc bạch: “Là người sinh ra và lớn lên ở biên giới, tôi hiểu rõ giá trị của từng tấc đất biên cương. Việc bảo vệ cột mốc quốc gia là một nhiệm vụ thiêng liêng. Được tham gia vào công việc này, tôi thấy tự hào vì đã góp phần giữ gìn chủ quyền của đất nước, đảm bảo an ninh, trật tự cho bản làng. Với tôi, đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm vui, vì được sống và cống hiến cho quê hương”.

Anh Giàng A Chìa cùng với cán bộ Đồn Biên phòng tại cột mốc 270.
Anh Giàng A Chìa cùng với cán bộ Đồn Biên phòng tại cột mốc 270

Tinh thần của anh Giàng A Chìa đã truyền cảm hứng cho nhiều người dân trong bản, giúp lan tỏa thông điệp về trách nhiệm và lòng yêu nước đối với quê hương, góp phần xây dựng biên giới vững chắc.

Trung tá Ngô Minh Quang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Chung, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 8km đường biên giới, 4 cột mốc (từ mốc 270 đến mốc 273). Trong hệ thống cột mốc mà đơn vị quản lý, Giàng A Chìa là người biết rất rõ cả 4 cột mốc, anh còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân trong bản cùng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, khi có người lạ xâm nhập hoặc có dấu hiệu khả nghi trên biên giới thì người dân trong bản kịp thời báo cáo cho đơn vị biết để xử lý.

Già làng Lang Minh Huyến ở bản Khẹo, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân tham gia bảo vệ đường biên cột mốc cùng các cán bộ, chiến sĩ biên phòng từ năm 2014 đến nay.
Già làng Lang Minh Huyến ở bản Khẹo, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân tham gia bảo vệ đường biên cột mốc cùng các cán bộ, chiến sĩ biên phòng từ năm 2014 đến nay

Vì cuộc sống bình yên

Tại vùng biên giới xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, già làng Lang Minh Huyến ở bản Khẹo, là một trong những tấm gương sáng trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. 

Trên dọc tuyến biên giới khu vực Mát Mọt có 9 cột mốc quốc gia, tiếp giáp với cụm bản Thà Láu, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Nơi đây có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Nhưng không vì vậy, mà lòng yêu nước và tinh thần bảo vệ quê hương của người dân ở đây bị lung lay. 

Sinh ra và lớn lên nơi biên cương, già làng Lang Minh Huyến luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc bảo vệ đường biên, cột mốc, mà với ông, đó còn là việc bảo vệ ngôi nhà và cuộc sống của chính bản thân, gia đình và cả cộng đồng. Trong nhiều năm qua, già làng Lang Minh Huyến đã phát huy vai trò của mình, cùng với chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng giữ vững an ninh biên giới và phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện Thanh Hóa đã có 1 tập thể, 19 hộ gia đình, 90 cá nhân đăng ký bảo vệ đường biên và mốc quốc giới góp phần xây dựng một biên giới vững chắc.
Hiện Thanh Hóa đã có 1 tập thể, 19 hộ gia đình, 90 cá nhân đăng ký bảo vệ đường biên và mốc quốc giới góp phần xây dựng một biên giới vững chắc

Già làng Huyến chia sẻ, để làm tốt công việc, ông luôn coi trọng việc tuyên truyền, vận động bà con trong bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ gìn luật pháp, bảo vệ biên giới. Ông thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ với bà con về tầm quan trọng của việc bảo vệ từng tấc đất biên cương, giúp người dân hiểu rằng, an ninh biên giới ổn định, chính là tiền đề để phát triển đời sống và kinh tế.

Từ thực tế cho thấy, những cột mốc khẳng định chủ quyền biên giới, đất nước không chỉ đang được bảo vệ bởi lực lượng Bộ đội Biên phòng, mà còn có những “cột mốc sống” như anh Chìa, ông Luyến và còn rất nhiều người dân khác..., bằng tình yêu quê hương, đất nước, mong muốn cuộc sống ngày càng phát triển, họ luôn tự nguyện, sẵn sàng ngày đêm tham gia góp sức cùng các lực lượng chức năng giữ gìn biên giới bình yên.


Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương miền núi Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.