Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp trong nông dân xứ Thanh

Quỳnh Trâm - 14:20, 29/10/2024

Những năm qua, từ các cuộc vận động của Trung ương và tỉnh, các cấp hội nông dân Thanh Hóa đã thực hiện nhiều chương trình, phong trào khởi nghiệp, đem lại hiệu quả rõ rệt. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu về sáng tạo khởi nghiệp thành công, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Phát huy tinh thần chủ động của nông dân

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 34.000 hộ nông dân vùng DTTS đạt danh hiệu SXKDG ở các cấp, trong đó, 17 hộ đã thành lập doanh nghiệp và tiếp tục phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống kinh tế. Các phong trào thi đua đã khơi dậy và nhân rộng tình đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Người dân vùng núi Thanh Hóa xây dựng mô hình gia trại mang lại hiệu quả kinh tế.
Người dân vùng núi Thanh Hóa xây dựng mô hình gia trại mang lại hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Thanh Nghị, sinh năm 1957, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, là một trong những người được tuyên dương tại Hội nghị Nông dân tiêu biểu năm 2024, nhờ những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và công tác xã hội. Với mô hình chăn nuôi tổng hợp, ông Nghị đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 6 lao động thường xuyên tại địa phương, góp phần cải thiện đời sống và kinh tế vùng nông thôn.

Tận dụng lợi thế địa phương, ông Nghị đã xây dựng một mô hình chăn nuôi tổng hợp với nhiều loại vật nuôi và quy trình chăn nuôi hiện đại. Nhờ áp dụng các kỹ thuật chăm sóc và quy trình khoa học, mô hình này đã mang lại thu nhập ổn định và bền vững, giúp gia đình ông đạt lợi nhuận hàng năm sau khi trừ chi phí khoảng trên 400 triệu đồng.

Trong năm qua, ông đã giúp 5 hộ nghèo tại địa phương vươn lên thoát nghèo, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và hỗ trợ nguồn lực để các hộ này tự tin khởi nghiệp, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, ông thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện và ủng hộ các chương trình cộng đồng, với số tiền gia đình đóng góp hàng năm lên đến trên 20 triệu đồng cho các hoạt động do cấp trên và địa phương tổ chức.Với những thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế và đóng góp xã hội, ông Nguyễn Thanh Nghị đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ xã, huyện, và Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ: “Làm nông nghiệp khó khăn lắm, nhưng mình không thể bỏ cuộc. Khi đã quyết tâm thì từng bước, từng bước một, mình sẽ vượt qua được. Đặc biệt, tôi luôn quan niệm rằng khi mình khá lên thì phải giúp đỡ những người xung quanh”, ông Nghị nói.

Anh Phạm Văn Hoàng, một nông dân trẻ tiêu biểu của xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh, là gương mặt điển hình trong lĩnh vực chăn nuôi dúi giống và dúi thương phẩm. Với sự nhạy bén trong việc lựa chọn mô hình kinh tế mới, anh Hoàng không chỉ đạt thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng mỗi năm mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa đến nhiều nông dân trong khu vực.

Mô hình chăn nuôi dúi giống và dúi thương phẩm của anh Phạm Văn Hoàng, xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh
Mô hình chăn nuôi dúi giống và dúi thương phẩm của anh Phạm Văn Hoàng, xã Giao Thiện, huyện Lang Chánh

Anh Hoàng chia sẻ, nuôi dúi có những yêu cầu kỹ thuật đặc thù, nhưng là hướng đi tiềm năng cho nông dân, bởi dúi ít bệnh, khả năng thích nghi cao và chi phí đầu tư không quá lớn. Nhận thấy những lợi ích đó, anh không chỉ tập trung vào mở rộng quy mô mà còn sẵn sàng hướng dẫn hội viên và bà con nông dân đến thăm quan học hỏi. 

Anh Hoàng cho biết, ngoài những hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, yếu tố quan trọng là mỗi người nông dân phải tự tìm cách đổi mới, nắm bắt cơ hội và nâng cao kỹ thuật. Bản thân anh đã dành nhiều thời gian học hỏi từ các mô hình khác.

“Tôi tin rằng nếu mỗi nông dân đều dám thử nghiệm, dám học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau, thì sẽ đạt được thành công”, anh Hoàng nói.

Sự quyết tâm khởi nghiệp của người nông dân DTTS tại Thanh Hóa, không chỉ dừng lại ở việc thoát nghèo mà còn là khát vọng làm giàu và đóng góp cho sự phát triển của quê hương. Ngoài anh Hoàng, ông Nghị, còn nhiều những hộ nông dân tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Sơn Hải (xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc), ông Hà Văn Dũng (xã Lương Nội, huyện Bá Thước) và ông Lê Đình Phúc (xã Yên Thọ, huyện Như Thanh) đã được Trung ương Hội tặng Bằng khen Phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi giai đoạn 2017 – 2022, họ mạnh dạn đầu tư và phát triển các mô hình nông nghiệp, không chỉ đem lại thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Cầu nối giữa nông dân và chính sách

Trong quá trình khởi nghiệp của người dân Thanh Hóa, Hội Nông dân các cấp đóng vai trò là chiếc cầu nối quan trọng giữa nông dân và các chính sách, nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương.

Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn, hỗ trợ HTX Ong mật Thành Kim (Thạch Thành) ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn, hỗ trợ HTX Ong mật Thành Kim (Thạch Thành) ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Để giúp bà con khởi nghiệp và phát triển sản xuất, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với chính quyền và ngân hàng hỗ trợ tài chính và tổ chức tập huấn kỹ thuật. Hàng ngàn lượt hội viên nông dân DTTS đã được tiếp cận nguồn vốn với tổng dư nợ lên tới hơn 6.414 tỷ đồng, cùng hàng ngàn tấn phân bón chậm trả để đầu tư sản xuất.

Hội Nông dân còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề, và giới thiệu việc làm cho nông dân, giúp họ nắm vững các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến. Các dự án lớn đã được triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp, như sản xuất mật mía, trồng cây dược liệu, nuôi bò sinh sản, và sản xuất các sản phẩm truyền thống gắn với OCOP. Điển hình là mô hình trồng dứa công nghệ cao tại xã Cao Thịnh hay sản xuất miến dong tại xã Ngọc Liên, đã mang lại thu nhập ổn định cho các hộ tham gia.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn OCOP, giúp bà con phát triển sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Một số hộ nông dân DTTS đã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như ông Bùi Văn Quang ở xã Quang Trung (huyện Ngọc Lặc) và các sản phẩm bánh răng bừa truyền thống từ cây lá dong ở xã Thành Long, huyện Thạch Thành.

Hội cũng đã triển khai nhiều chương trình thiết thực như Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con em đến trường,” hỗ trợ hàng ngàn bộ đồ dùng thiết yếu cho hội viên nữ tại các huyện miền núi hay tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao kiến thức cho hội viên. Những chương trình này, không chỉ hỗ trợ về kinh tế mà còn tiếp thêm động lực cho người nông dân quyết tâm khởi nghiệp.

Nhiều sản phẩm OCOP của nông dân tỉnh Thanh Hóa đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính
Nhiều sản phẩm OCOP của nông dân tỉnh Thanh Hóa đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính

Các cấp Hội Nông dân cũng phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước, nhằm vận động các nguồn lực hỗ trợ cho người dân. Một ví dụ tiêu biểu là dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường” do Quỹ BRACE tài trợ, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và gia tăng hiệu quả sản xuất.

Theo ông Trần Bình Quân, Chủ tịch Hội nông dân Thanh Hóa, việc khuyến khích và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp là một định hướng quan trọng trong các hoạt động của Hội. Hội đang đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho các mô hình kinh tế sáng tạo và bền vững trong nông thôn. 

Ông Quân cho biết: “Phong trào nông dân khởi nghiệp, chính là nền tảng để tạo nên một lực lượng nông dân thế hệ mới, có kiến thức, kỹ năng và ý chí phát triển bền vững. Chúng tôi mong muốn, mỗi nông dân tiêu biểu sẽ trở thành một người tiên phong, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, dám nghĩ lớn, dám đầu tư và áp dụng các phương pháp mới, từ đó làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Từ đó đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Theo Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Thanh Hóa, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình hỗ trợ tiếp cận vốn để giúp nông dân có thể phát triển ý tưởng khởi nghiệp một cách hiệu quả. Đồng thời, Hội sẽ kết nối bà con với các doanh nghiệp và thị trường, giúp sản phẩm của nông dân khởi nghiệp có đầu ra ổn định và chất lượng tốt.

Tin cùng chuyên mục
Ban Chỉ đạo 202 Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát các dự án thành phần trong Chương trình MTQG 1719 tại BĐBP tỉnh Sóc Trăng

Ban Chỉ đạo 202 Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát các dự án thành phần trong Chương trình MTQG 1719 tại BĐBP tỉnh Sóc Trăng

Ngày 11/12, tại cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng, Tổ công tác Ban Chỉ đạo 202 Bộ Quốc phòng do Đại tá Lê Thành Công - Trưởng phòng Kinh tế sự nghiệp Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các nội dung, dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022 - 2023 và tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2024 - 2025 của đơn vị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng.