Thay đổi nhận thức chăm sóc sức khỏe trong mỗi người dân
Trước những khó khăn, bất cập dẫn đến chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ còn thấp, công tác truyền thông, tuyên truyền được xác định, là khâu đầu tiên để thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành động của mỗi người dân. Những năm qua, đội ngũ cộng tác viên dân số ở các địa bàn miền núi đã không quản khó khăn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, gặp ở đâu tuyên truyền ở đó để người dân tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe...
Nội dung tuyên truyền được thực hiện đậm nét ở các chuyên đề: Chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS), phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng chống xâm hại tình dục và bạo lực học đường; kiến thức và kỹ năng CSSKSS, xây dựng gia đình hạnh phúc cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; truyền thông về già hóa dân số và phát huy vai trò người cao tuổi; về mất cân bằng giới tính hay là những mặt trái của việc tảo hôn; tư vấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh; bệnh tan máu bẩm sinh (Thalaassemia)…
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, khối xóm, trưởng bản để đẩy mạnh công tác truyền thông về dân số trong các cuộc họp của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… nhằm mục tiêu từng bước giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, nâng cao chất lượng dân số trong thời kỳ mới.
Hoạt động truyền thông còn được thực hiện đa dạng hơn tùy theo từng địa bàn vùng sâu, vùng xa; hay phối hợp cùng các nhà trường thực hiện tuyên truyền cho các em học sinh những kiến thức bổ ích về tâm, sinh lý độ tuổi vị thành niên; cách chăm sóc và bảo vệ bản thân trong độ tuổi dậy thì, tránh các hành vi xâm hại tình dục, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn...
Trong những nỗ lực tuyên truyền của Chi cục DS-KHHGD, nhiều câu lạc bộ “không sinh con thứ 3”, câu lạc bộ “nam giới với sức khỏe sinh sản”… đã ra đời. Từ hình thức tuyên truyền miệng, truyền thông trực tiếp, các cấp hội đã tổ chức nhiều hội thi, hội diễn với các nội dung phong phú, đa dạng, dễ hiểu… xoay quanh vấn đề về chính sách DS-KHHGĐ; CSSKSS và sức khỏe vị thành niên; các biện pháp tránh thai; xây dựng hạnh phúc gia đình, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân.
Tuy nhiên, theo ông Lô Minh Điệp, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quế Phong, tuyên truyền là vậy, nhưng để làm thay đổi, chuyển biến về nhận thức, thì lại là câu chuyện không phải một sớm một chiều. Đặc biệt, công tác tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa rất khó khăn do địa bàn cách trở, do người dân đi nương, đi rẫy. Có trường hợp người dân ở hẳn trong nương rẫy hàng tháng mới về. Một số người dân không biết tiếng phổ thông, còn cán bộ tuyên truyền cũng không am hiểu tiếng nói đồng bào nên việc tuyên truyền cũng chưa thực sự hiệu quả.
Hiện nay, vùng DTTS&MN tỉnh Nghệ An có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao; chất lượng dân số tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng mục tiêu đề ra; đặc biệt công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn hạn chế; kinh phí cho các hoạt động dân số chưa kịp thời, thậm chí khó giải ngân.
Nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng dân số khó giải ngân
Để cải thiện tình hình sức khỏe người DTTS, các địa phương miền Tây Nghệ An đang tích cực triển khai các nội dung Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) nhằm nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN.
Ông Phan Văn Huê, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục DS-KHHGD tỉnh Nghệ An cho biết: Năm 2023, thực hiện Dự án 7, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó, tập trung vào những đối tượng người cao tuổi, trẻ vị thành niên, thanh niên.
Quá trình triển khai Dự án 7, địa phương chú trọng đến các đối tượng đặc thù, ưu tiên vùng sâu, vùng xa; đa dạng hóa các nội dung hoạt động như, chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh, phòng chống hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh. Từ đó, góp phần giúp đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ với việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.
Minh chứng như ở huyện Con Cuông, bà Hoàng Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Con Cuông cho hay: Việc thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi, là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để người dân vừa được kiểm tra sức khỏe, vừa được tư vấn để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm của tuổi già…; Do vậy, người dân rất phấn khởi và hào hứng tham gia các hoạt động.
Ông Phan Văn Huê, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục DS-KHHGD tỉnh Nghệ An cho biết: Để tổ chức các nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng dân số trong vùng đồng bào DTTS, trong 3 năm gần đây, tổng nguồn vốn bố trí cho Dự án 7, Chương trình MTQG 1719 tương đối lớn. Đây là nguồn lực quan trọng để các địa phương tổ chức các nội dung, mục tiêu đặt ra trong việc nâng cao chất lượng dân số.
Tuy nhiên, điều trăn trở là, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này rất thấp, chậm. Cụ thể, trong 3 năm 2022, 2023 và 2024, tổng số vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương được giao là hơn 37,71 tỷ đồng; trong đó, vốn năm 2022, năm 2023 kéo dài sang năm 2024, còn hơn 8 tỷ đồng và vốn năm 2024 được giao hơn 29,66 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân.
Song song, tổng nguồn vốn đầu tư sự nghiệp năm 2024 được giao hơn 24 tỷ đồng; trong đó, vốn năm 2022 và năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là 9,214 tỷ, nhưng giải ngân với tỷ lệ 0,97%; vốn năm 2024 đã giao 14,86 tỷ đồng, cũng chưa giải ngân... Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến các việc đưa chính sách đến đối tượng thụ hưởng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân vùng DTTS&MN.
Theo ông Phan Văn Huê, nguyên nhân là việc giải ngân chậm là do hướng dẫn chi theo Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 khó thực hiện. Vướng mắc này cần sớm được Trung ương, các bộ, ngành liên quan tháo gỡ...