Vĩnh Phúc hiện có 30 dân tộc sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 4,7% dân số toàn tỉnh. Những năm trước đây, do phong tục tập quán lạc hậu, bà con thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình... nên vẫn còn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS.
Từ năm 2015, thực hiện Quyết định số 498 ngày 14/4/2015 của Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.
Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền các địa phương chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân và gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết; hàng năm tổ chức các hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ông Vi Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, can thiệp nhằm thay đổi hành vi và sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn trên địa bàn. Cũng có trường hợp khi có trường hợp tảo hôn, các ban ngành kịp thời đến tuyên truyền đã ngăn chặn kịp thời, được tuyên truyền sau đó gia đình dừng tổ chức cưới. Bây giờ thì việc phát triển kinh tế của hộ gia đình đối với đồng bào DTTS chúng tôi thì mặt bằng chung bây giờ cũng cơ bản là đã phát triển so với mặt bằng chung trong toàn xã.
Từ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong tỉnh, trình độ dân trí ngày một nâng cao, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhận thức đúng đắn về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, trách nhiệm của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, trong đó tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức thực hành pháp luật cho đồng bào DTTS, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Nhằm nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các địa phương tổ chức các Hội nghị thông tin, tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Cuối tháng 7/2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với UBND xã Hợp Châu (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) tổ chức Hội nghị thông tin, tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS năm 2023 cho 130 đại biểu là phụ huynh học sinh; cha, mẹ của nam, nữ thanh niên trong độ tuổi vị thành niên; phụ nữ, nam giới; các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống,…
Thông qua Hội nghị tuyên truyền cung cấp các thông tin về pháp luật liên quan đến hôn nhân, gia đình, phụ nữ và trẻ em gái, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái, các hành vi bị nghiêm cấm trong hôn nhân; các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đối với các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Đồng thời, tuyên truyền về tác hại, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc trong hôn nhân cần phát huy và những hủ tục trong hôn nhân cần được xóa bỏ; các giải pháp khắc phục, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Hợp Châu hiện nay; cung cấp thông tin pháp luật về chính sách dân số, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.
Bà Lục Thị Liên, thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: Nhờ nắm bắt được thông tin thông qua công tác tuyên truyền, đồng bào đã nâng cao nhận thức pháp luật, hiểu được những tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bây giờ kết hôn thì phải cứ đủ 18 tuổi, tức là đủ điều kiện đăng ký thì mới cho kết hôn.
Thông qua hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để nâng cao hiểu biết, nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ hoặc là nạn nhân của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo sự đồng thuận trong xã hội, thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo giảng viên Lưu Phương Thanh, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc, thông qua hội nghị tuyên truyền bà con cũng nắm được hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, họ cũng sẽ là những tuyên truyền viên tích cực trong công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn từ gia đình, dòng họ, thôn, bản.
Để ngăn ngừa, tiến tới xoá bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, các cấp, các ngành liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức, quản lý, giáo dục, định hướng con em mình từ bỏ tư tưởng lạc hậu về hôn nhân, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.