Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phát huy vai trò các tổ truyền thông trong công tác phòng, chống tảo hôn ở Lào Cai

Trọng Bảo - 17:44, 06/12/2023

Thời gian qua, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã giảm rõ rệt. Có được kết quả này, bên cạnh việc triển khai các chính sách của Nhà nước về phòng, chống tảo hôn, thì vai trò của các tổ truyền thông cộng đồng là rất quan trọng.

Hiền (ngoài cùng từ trái sang) đã từ bỏ ý định lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi để tiếp tục học tập
Hiền (ngoài cùng từ trái sang) đã từ bỏ ý định lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi để tiếp tục học tập

Dù mới 15 tuổi, nhưng em Hoàng Thị Hiền ở xã Hợp thành, thành phố Lào Cai đã từng có ý định nghỉ học để lấy chồng. Nhờ sự can thiệp kịp thời của gia đình và tổ truyền thông cộng đồng nơi em đang sinh sống, Hiền đã từ bỏ ý định lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi. Hiểu được tảo hôn sẽ để lại nhiều hệ lụy sau này, Hiền đã lựa chọn tiếp tục con đường đến trường để theo đuổi ước mơ.

“Hiện nay em đang đi học tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai; sau khi tốt nghiệp phổ thông, đồng thời em có bằng nghề về du lịch. Khi đó, em có thể tìm kiếm việc làm để có thu nhập phụ giúp gia đình cũng như lo cho tương lai của mình”, Hiền tâm sự.

Xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai với 95 % dân số là dân tộc Tày, Giáy và Xa Phó, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, do chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian trước đây, đã có thời điểm, tảo hôn trở thành vấn nạn nhức nhối ở xã vùng cao này. Tuy nhiên, từ khi thành lập các tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn, bản thì tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã đã giảm rõ rệt.

“Chúng tôi quản lý từng gia đình, khi phát hiện gia đình nào có con em có biểu hiện kết hôn dưới 18 tuổi thì chúng tôi đến tận nhà tuyên truyền, vận động; phân tích để phụ huynh cũng như các cháu hiểu được việc kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật, rồi còn rất nhiều hệ lụy sau này. Nhờ đó mà rất nhiều trường hợp có ý định tảo hôn trong thôn đã được chúng tôi ngăn chặn kịp thời”, ông Hà Văn Tần, thành viên tổ truyền thông cộng đồng thôn Pèng 1, xã Hợp Thành cho biết.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà nhiều em đã từ bỏ ý định lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi để tiếp tục tới lớp, tới trường
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà nhiều em đã từ bỏ ý định lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi để tiếp tục tới lớp, tới trường

Thống kê cho thấy, hiện nay tỉnh Lào Cai có trên 400 tổ truyền thông cộng đồng tại 9 huyện, thị xã, thành phố với hơn 3.400 thành viên. Các thành viên đều là những người có năng lực, trình độ và uy tín trong thôn, bản. Bởi vậy, khi tổ truyển thông cộng đồng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, xóa bỏ các định kiến về giới tính, những tập tục văn hóa có hại như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống luôn được người dân chấp hành, thực hiện tốt.

“Các thành viên trong tổ truyền thông bao gồm cả lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, công chức tư pháp và các ban ngành đoàn thể làm công tác tuyên truyền tại thôn bản. Bất kể ngày đêm khi ông mai, bà mối tổ chức đi cưới hỏi thì tổ truyền thông cũng tham gia trong đoàn. Nhờ đó, đã ngăn chặn kịp thời rất nhiều vụ tảo hôn trên địa bàn xã thời thời gian qua” ông Lý Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà nhấn mạnh.

Để người dân dễ tiếp thu, nắm bắt thông tin tuyên truyền, các tổ truyền thông cộng đồng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, phổ biến kiến thức về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng Chương trình truyền thông phát trên hệ thống loa phát thanh xã bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Cùng với đó, để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như kịp thời phát hiện và can thiệp các trường hợp có ý định tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhiều tổ truyền thông cộng đồng đã có nhiều cách làm hay, ý tưởng sáng tạo như thành lập các nhóm và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền qua mạng xã hội như Zalo, Facebook...

“Thông qua nhóm được thành lập trên Zalo thì dù mình có ở đâu vẫn có thể trò chuyện, tâm sự với các cháu, các em, các bậc phụ huynh. Nếu không có các nhóm này thì phải đi lại rất vất vả. Những gì mình muốn tuyên truyền cho bà con thì cũng gửi lên nhóm, rồi gửi đến từng trang cá nhân. Thậm chí, chúng tôi còn gửi trực tiếp các phiên tòa xử các vụ tảo hôn để mọi người xem để không vi phạm…”, ông Trịnh Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết thêm.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, các tổ truyền thôn thôn bản cũng kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương những trường hợp cố tình vi phạm để kịp thời xử lý theo quy định. “Thông qua thông tin từ các tổ truyền thông, vừa qua chúng tôi đã xử lý nghiêm một số trường hợp cho con em tảo hôn; cùng với đó, với những gia đình mà cha mẹ là Đảng viên mà để con em mình tảo hôn chúng tôi cũng kiên quyết xử lý để làm gương”, bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà nhấn mạnh.

Các tổ truyền thông cộng đồng đã và đang phát huy tốt vai trò của mình trong phòng, chống tảo hôn
Các tổ truyền thông cộng đồng đã và đang phát huy tốt vai trò của mình trong phòng, chống tảo hôn

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tốt vai trò của các tổ truyền thông cộng đồng, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉ lệ tảo hôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã giảm 26% so với cùng kì năm 2022. Các địa phương đã kịp thời ngăn chặn gần 200 trường hợp có ý định về chung sống với nhau như vợ chồng khi chưa đủ 18 tuổi. 

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.