Triển khai các đề án, chương trình chính sách dân tộc
Trà Vinh là tỉnh có tỷ lệ đồng bào Dân tộc Khmer sinh sống cao nhất nước. Trước đây, do ảnh hưởng bởi những quan niệm, phong tục tập quán còn lạc hậu qua nhiều thế hệ, đặc biệt là tập quán không muốn chia sẻ của cải cho người khác ngoài dòng họ, nên những năm trước đây, vẫn còn tình trạng kết hôn là con cháu trong cùng dòng họ. Mặc khác do đời sống kinh tế vật chất thiếu thốn dẫn đến việc không được học hành trọn vẹn, thiếu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, nhiều trẻ phải lao động mưu sinh sớm, vào đời sớm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và gây ra nhiều hệ lụy.
Trước thực trạng đó, để đẩy mạnh giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc Khmer, trong những năm qua tỉnh Trà Vinh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, những năm gần đây, các địa phương tập trung triển khai quyết liệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025” và Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 9, Chương trình MTQG 1719: “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù”.
Ông Hà Thanh Sơn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: “Ban Dân tộc là đơn vị được tỉnh giao trực tiếp triển khai thực hiện Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 9, của Chương trình MTQG 1719, với nguồn kinh phí Trung ương bố trí là 2 tỷ 052 triệu đồng và bố trí ngân sách địa phương 288 triệu đồng. Theo đó, hiện nay, đơn vị đã giải ngân 805,3 triệu đồng cho việc tổ chức lắp đặt 63/63 pano tại 59 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS trên địa bàn các huyện, thành phố, đạt 100% so với kế hoạch; cấp phát 1.900 cuốn sổ tay (song ngữ Việt- Khmer); 47.200 tờ rơi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào DTTS.
Tăng cường nhiều loại hình tuyên tuyền
Bên cạnh đó, Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều Hội nghị tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Điển hình như trong năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Phòng Dân tộc các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã Hàm Giang, Đa Lộc, Châu Điền, Thạnh Hòa Sơn, tổ chức 15 cuộc Hội nghị tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS và xây dựng mô hình điểm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các đối tượng là các em học sinh ở các Trường Dân tộc nội trú của tỉnh và huyện, Người có uy tín, nhóm vị thành niên và thanh niên là người DTTS, Trưởng ban Nhân dân ấp, khóm, cha mẹ học sinh.
Trong năm 2023, Ban Dân tộc tiếp tục phối hợp các địa phương tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền tại TP. Trà Vinh và các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú; với thành phần tham gia là Trưởng ban Nhân dân, Trưởng ban Công tác mặt trận, Chi hội trưởng phụ nữ, Người có uy tín… tại các ấp, xã có đông đồng bào Khmer sinh sống. Mục tiêu, sau khi tham gia các buổi tuyên truyền, đại biểu sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân địa phương, chú trọng những hộ dân tộc Khmer có nguy cơ xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Bà Thạch Thị Sa Rim, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Ô Trôm, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần chia sẻ: ‘Nhờ các hoạt động tuyên truyền trực quan, các tài liệu, và đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền trực tiếp tại các địa phương, trình độ dân trí và ý thức của đồng bào Khmer tại ấp được cải thiện, nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được nâng cao, một số phong tục tập quán gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã dần được xóa bỏ”.
Nhân rộng các mô hình hiệu quả ở những "điểm nóng"
Trên thực tế, theo kết quả số liệu điều tra của Chi cục dân số - KHHGĐ tỉnh Trà Vinh , năm 2022 số cặp kết hôn là 9.216 cặp; trong đó toàn tỉnh ghi nhận 116 trường hợp tảo hôn (1,25%), trong số đó 33 trường hợp là đồng bào Khmer (chiếm 38,28% tổng số trường hợp tảo hôn).
Kết quả này ghi nhận sự nỗ lực so với con số 535 trường hợp tảo hôn/ 9.146 cặp kết hôn vào năm 2018. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn là điều trăn trở của các cấp chính quyền, đáng lo ngại là, trên địa bàn vẫn còn 30 trường hợp hôn nhân cận huyết thống đều là các cặp là đồng bào dân tộc Khmer.
Để hướng tới mục tiêu cụ thể giảm bình quân 2% - 3%/ năm số cặp tảo hôn; 3% - 5% số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn DTTS có tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025 phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, địa phương sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa các giải pháp tuyên truyền, đặc biệt là lồng ghép thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hoạt động hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tính cũng sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, tiếp tục thành lập thí điểm và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ "tuyên truyền phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết" tại một số xã “điểm nóng” nhằm tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về dân số, hôn nhân gia đình, các nội dung có liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các hành vi nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình... một cách gần gũi hơn, nhằm tiếp tục tạo chuyển biến và đồng thuận trong xã hội, đặc biệt là đồng bào DTTS về công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.