Thay đổi từ trên ghế nhà trường
Đối với các em học sinh DTTS ở Trường Tiểu học và THCS Nay Der, xã Ya Hnol, đa phần có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nơi sinh sống còn tồn tại những định kiến giới như gánh nặng việc nhà phải bỏ học, tảo hôn…
Đây là rào cản khiến nhiều trẻ em gái mất đi cơ hội quan trọng như học hành, phát triển, giao lưu với bạn bè; các em bị ảnh hưởng về sức khỏe và tinh thần, nguy cơ gánh chịu bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục...; Nhằm giúp các em trang bị kỹ năng, kiến thức để vươn lên tự thay đổi, tháng 10/2023, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của nhà trường đã được thành lập với 30 thành viên, trong đó 20 thành viên là học sinh DTTS từ lớp 6 đến lớp 9. CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần và được lồng ghép sinh hoạt ngoại khoá giờ chào cờ thứ 2 hằng tuần.
Mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên của Ban Chủ nhiệm hướng cho học sinh về chủ đề của từng buổi. Từ đó, các em tìm hiểu, nâng cao nhận thức xoay quanh các nội dung: Bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích; nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em; tìm hiểu về dậy thì sớm; hệ quả của nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết …
Thầy Trần Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nay Der (xã Hnol, huyện Đak Đoa) cho biết: Hầu hết học sinh trong trường là người dân tộc Ba Na nên trong giao tiếp các em có chút e dè, nhưng từ khi tham gia CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi", tôi nhận thấy các em đã tự tin và mạnh dạn hơn nhiều. Một số bạn có sức ảnh hưởng lớn tới các bạn cùng trường. Khi biết có bạn cùng lớp muốn nghỉ học để đi lấy chồng hay yêu sớm gây ảnh hưởng việc học tập, các thành viên CLB đã kiên trì khuyên nhủ, là "địa chỉ tin cậy" để bạn mình thổ lộ và kết quả là các bạn ấy đã có sự thay đổi, tập trung cho việc học, tích cực tham gia các phong trào của lớp, của trường.
Có thể thấy, CLB đã từng bước thay đổi nhận thức của các em về tảo hôn, bạo lực học đường, quyền trẻ em. Các em đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong cộng đồng, đặc biệt, là nhận thức được việc học tập rất quan trọng đối với bản thân, gia đình, xã hội.
Đến cộng đồng vùng đồng bào DTTS
Dù mới được thành lập, nhưng CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại cộng đồng làng Dung Rơ, xã Kon Gang, đã trang bị được nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích cho học sinh DTTS. Đặc biệt, ngay các em nhỏ tuổi trong làng cũng được tham gia cùng các thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” các hoạt động bổ ích như: Tổ chức sinh hoạt giao lưu, chia sẻ thông tin kiến thức bổ sung về tâm lý lứa tuổi, giới tính, giới, thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới.
Các em cũng được tham gia bồi dưỡng các kỹ năng sống về tự khám phá nhận thức, kỹ năng giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường, cộng đồng, phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em, hệ quả của nạn tảo hôn, kết hôn sớm ở trẻ em; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh phù hợp với từng lứa tuổi... Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức, hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với các vấn đề liên quan tới trẻ em.
Em Y Hạo, học sinh lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Tiên Hoàng, Chủ nhiệm CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” làng Dung Rơ, chia sẻ: "Được tham gia CLB khiến em tự tin đảm bảo an toàn bản thân. Đặc biệt, em đã biết tổng hợp kiến thức tuyên truyền từ CLB những kiến thức về bình đẳng giới, những điều tốt đẹp để tuyên truyền cho các bạn trong làng cùng nhau thay đổi suy nghĩ, cách học để ngày càng tốt hơn”.
Chị Thap, dẫn trình viên, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Dung Rơ, xã Kon Gang cho biết: CLB được thành lập ngay tại cộng đồng giúp các em nhỏ DTTS vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội được trang bị kiến thức, kỹ năng giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân. Chúng tôi sẽ duy trì hoạt động của CLB đúng theo quy chế hằng tháng và trong cả dịp lễ hội của làng… nhằm trang bị đầy đủ những kiến thức về bình đẳng giới, những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự an toàn bản thân cho các em.
CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là một trong những mô hình cơ bản nằm trong chương trình của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021- 2025.
Đến nay, Hội LHPN huyện Đak Đoa đã thành lập 4 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trong trường học và 1 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại cộng đồng với 150 thành viên. Đồng thời, tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn thành lập và vận hành CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện, với 80 đại biểu là đại diện Ban Giám hiệu các Trường THCS thuộc các xã đặc biệt khó khăn; giáo viên làm tổng phụ trách đội; cán bộ phòng Giáo dục và Đào tạo; Hội LHPN xã và một số ngành, đoàn thể cấp xã, thôn làng…
Bà Lưu Quỳnh Giang, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Đoa cho biết, theo kinh nghiệm tuyên truyền cán bộ Hội LHPN, đối với vùng đồng bào DTTS, những kiến thức về bình đẳng giới hay những vấn đề cấp thiết như bạo lực gia đình, bạo lực học đường, quyền trẻ em, tảo hôn... nếu chỉ nói suông, tuyên truyền bằng báo cáo, hội họp người dân sẽ rất khó hiểu, khó nhớ. Do đó, việc tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt CLB, đội nhóm để tổ chức trò chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với lứa tuổi học sinh là cách tuyên truyền hiệu quả.
"Tin tưởng rằng, hiệu quả của CLB trong triển khai Dự án 8 sẽ nâng cao nhận thức, giúp các em thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm, góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở vùng cao. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào DTTS huyện Đak Đoa", Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Đoa chia sẻ.