Thay đổi ngay từ người trong cuộc
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS (PTDTBT THCS) Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng có gần 100% học sinh DTTS, chủ yếu là người Mông, Dao, Nùng, Tày, Sán Chỉ. Tình trạng tảo hôn ở đây còn khá phức tạp, sau Tết Nguyên đán một số em học sinh dân tộc Dao, Mông thường có ý định nghỉ học ở nhà lấy vợ, lấy chồng.
Từ tháng 5/2023, nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, với 30 thành viên nhằm tăng cường kiến thức cho các em học sinh DTTS về kỹ năng chăm sóc sức khỏe, kiến thức giới, bình đẳng giới; giúp các em thay đổi chính bản thân và gia đình, sau đó là cộng đồng. Đặc biệt, Câu lạc bộ chú trọng tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Cô giáo Bùi Bảo Ngọc, Tổng phụ trách Đội của Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm cho biết: Mỗi tháng CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” hoạt động 01 lần, vào ngày 15 hằng tháng. Nội dung hoạt động của mỗi buổi sinh hoạt được tổ chức theo từng chủ đề, xoay quanh các vấn đề về kiến thức giới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…Các phương pháp tổ chức sinh hoạt của Câu lạc bộ có thể là: thảo luận nhóm, tổ chức cuộc thi, trò chơi, giải quyết tình huống, đóng kịch…
Hình thức tuyên truyền, vừa thuyết trình nội dung kèm theo hình ảnh ví dụ thực tế được trình chiếu, để giúp học sinh dễ hiểu và nhận thức đúng đắn về hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là các vấn đề sức khỏe sinh sản và kết hôn khi chưa đủ tuổi.
Em Mạ Thị Lan, dân tộc Mông, học sinh lớp 8A, Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm cho biết: Từ khi tham gia CLB, em hiểu hơn về những hệ lụy từ tảo hôn, do vậy em đã tham gia tuyên truyền cho gia đình, bạn bè ở nơi em sống không nên lấy chồng sớm khi chưa đủ tuổi kết hôn; thông tin cho các bạn biết tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Sau khi được tuyên truyền các bạn đã hiểu hơn và đã không còn có ý định lấy chồng sớm.
Tương tự, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường PTDTBT THCS xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai được thành lập vào tháng 5/2022, với 25 thành viên là học sinh từ khối 6 đến khối 9.
Cô giáo Phạm Thị Kim Chung, Tổng phụ trách công tác Đội, dẫn trình viên CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" của Trường PTDTBT THCS Nậm Mòn cho biết: Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ Hội Phụ nữ, thông qua các hoạt động thảo luận nhóm, vẽ tranh, đóng kịch.... các thành viên của CLB được trang bị kiến thức về quyền trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử liên quan đến những vấn đề bất bình đẳng giới và một số hủ tục lạc hậu còn tồn tại ở ngay chính các em và nơi các em đang sống.
Em Lùng Thị Phương Thảo, dân tộc Mông, học sinh lớp 8B, Trường PTDTBT THCS Nậm Mòn, huyện Bắc Hà, chia sẻ: Người Mông chúng em thường lấy chồng, lấy vợ sớm. Là thành viên của CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi", em được trang bị nhiều kiến thức nên em sẽ tích cực tuyên truyền để các bạn của em không lấy chồng sớm.
Hiệu quả thiết thực
Từ mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho các em học sinh tại các trường học ở vùng cao.
Theo thầy giáo Vũ Mạnh Cường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng: Năm học 2023-2024 nhà trường đã thành lập tổ tư vấn học đường, chỉ đạo giáo viên phụ trách các bộ môn thực hiện lồng ghép các kiến thức về tác hại của tảo hôn trong các tiết học, nhất là thông qua các hoạt động của CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi", đã kịp thời nắm bắt thông tin, từ đó vận động các em không bỏ học về nhà lấy chồng.
Nhờ vậy, tỷ lệ các em học sinh bỏ học lấy chồng của trường đã giảm, nếu trong năm học 2022- 2023, trường có 3 em học sinh bỏ học, lấy chồng thì đến năm học 2023-2024 chỉ còn có 1 trường hợp.
Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sau 4 năm triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em” các cấp hội phụ nữ đã thành lập và duy trì 1.556/1.800 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở các trường học.
Việc tổ chức sinh hoạt CLB dưới các các hình thức đội nhóm, chơi trò chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với lứa tuổi hay các tiểu phẩm lấy chất liệu từ chính cuộc sống của các em, là cách tuyên truyền hiệu quả những nội dung về bình đẳng giới hay những vấn đề cấp thiết về bạo lực gia đình, bạo lực học đường, quyền trẻ em, tảo hôn...
Theo bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc triển khai mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trong trường học và cộng đồng rất phù hợp thực tế, tạo ra một một cách làm mới ở nhà trường và cộng đồng trong lĩnh vực bình đẳng giới.