Những tuyên truyền viên đắc lực về giới
Trường PTDT Bán trú THCS Tả Giàng Phình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai có gần 100% học sinh DTTS, chủ yếu là người Mông. Tình trạng tảo hôn ở đây còn khá phức tạp, sau Tết, nhiều học sinh trong trường thường có ý định nghỉ học ở nhà để lấy chồng.
Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Nam - Hiệu trưởng nhà trường biết: Năm học 2021 - 2022, trường đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” hy vọng mang đến cho các em những cơ hội để mở mang kiến thức, thay đổi bản thân và gia đình, cộng đồng. 30 thành viên của CLB có vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, từng bước giúp thế hệ trẻ nâng cao nhận thức về hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
Mặc dù mới thành lập, nhưng CLB đã có nhiều hoạt động ý nghĩa. Tham gia CLB, các em được học các kỹ năng để thay đổi và hoàn thiện bản thân mình, từ đó mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, phát huy tính sáng tạo trong các hoạt động tập thể. Các thành viên câu lạc bộ còn có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nắm tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của học sinh và là những tuyên truyền viên đắc lực của nhà trường.
Em Hạng Thị Tuyết Mây, lớp 8A1, cho biết: Trong các giờ ra chơi, các thành viên của CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thường đọc nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bình đẳng giới… trên loa truyền thanh của trường. Mỗi bài tuyên truyền được thể hiện bằng 2 ngôn ngữ là tiếng Kinh và tiếng Mông.
Cũng theo Mây trong năm học vừa qua, các thành viên CLB phối hợp với giáo viên nhà trường tới tận nhà, vận động 1 bạn học sinh lớp 9 có nguy cơ tảo hôn. Nhờ can thiệp kịp thời, bạn ấy đã đi học trở lại.
Lào Cai là một trong những địa phương được lựa chọn để xây dựng các mô hình điểm CLB “Thủ linh của sự thay đổi”. Hiện nay, các CLB đã được triển khai tại nhiều trường cấp THCS của các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn… Mỗi CLB có sự tham gia của 25 học sinh và 5 dẫn trình viên là đại diện nhà trường, ngành liên quan trên địa bàn xã, như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cán bộ phụ trách công tác trẻ em.
Mô hình này còn là sân chơi, diễn đàn bổ ích dành cho trẻ. Tham gia CLB giúp các em biết lên tiếng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm trong cuộc sống. Trong đó, tập trung chia sẻ thông tin, kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, bồi dưỡng các kỹ năng sống về tự khám phá nhận thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong gia đình, nhà trường, cộng đồng
Thúc đẩy bình đẳng giới
Một trong những mục tiêu mong muốn đạt được của Dự án 8, Chương trình MTQG 1719 vào năm 2025, là thành lập, xây dựng năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động được 1.800 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi của trẻ em. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng; thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong hệ thống chính trị.
Theo bà Tôn Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, việc triển khai mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trong trường học và cộng đồng, sẽ tạo ra một một cách làm mới ở nhà trường và cộng đồng trong lĩnh vực bình đẳng giới; đó là, sự tiếp cận tổng thể, lấy trẻ em làm trung tâm, là thế hệ tương lai của quốc gia, cũng như phát huy năng lực trẻ em và giáo viên, cán bộ, cộng đồng trong công tác bình đẳng giới.
Theo bà Tôn Ngọc Hạnh, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” giúp trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ em tự bảo vệ mình và giải quyết được những vấn đề liên quan đến bản thân. Các em sẽ có nhận thức sâu 2 sắc, đúng đắn, rõ ràng hơn, được rèn luyện kĩ năng, chủ động, tự tin, tích cực hỗ trợ bạn bè; phê phán hiện tượng sai trái trong học tập, rèn luyện ở trong và ngoài nhà trường liên quan đến các vấn đề bình đẳng giới.
"Những thành viên của CLB sẽ là cầu nối giữa các thành viên nhà trường, giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể có liên quan trong cộng đồng, để thúc đẩy bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”, bà Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh.
Để các CLB hoạt động hiệu quả, cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ đoàn thể và đặc biệt là giáo viên là dẫn trình viên của trường học; hoặc cán bộ Hội Phụ nữ là dẫn trình viên ở cộng đồng sẽ được nâng cao nhận thức và kiến thức về bình đẳng giới và phòng chống ứng phó với bạo lực giới trong trường học, ngoài cộng đồng thông qua các hoạt động đào tạo hàng năm.
Thầy Phạm Hữu Trượng - giáo viên trường PTDT bán trú THCS Lùng Phình, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết: Là dẫn trình viên, tôi luôn gợi mở cho các em các nội dung, chủ đề sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi như: quyền trẻ em; phòng chống xâm hại tình dục; phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng tránh bạo lực học đường; kỹ năng giao tiếp ứng xử trên không gian mạng…
Bên cạnh đó, các em còn được tham gia các trò chơi, thảo luận nhóm, trình bày và phát biểu ý kiến riêng của mình; thể hiện năng khiếu của bản thân như: Vẽ, đóng kịch… qua đó giúp các em có sự thay đổi tích cực về bình đẳng giới.
Việc xây dựng và vận hành CLB giúp các em gái học được các kiến thức, thái độ và kỹ năng dựa trên kinh nghiệm sống của chính các em để tự tin, làm chủ ước mơ và cuộc sống. Các em trai sẽ đi qua hành trình của sự phát triển bản thân, vượt qua các định kiến giới áp đặt lên vai trò của nam giới, thách thức những định kiến giới và những nguyên nhân cốt lõi của kì thị giới.
Và trên hết, tất cả các em gái - em trai “Thủ lĩnh thay đổi” sẽ trở thành các thủ lĩnh trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong trường học và cộng đồng của mình.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam, hiện nay các địa phương mới thành lập được 366/1.800 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” chỉ đạt 20% chỉ tiêu giai đoạn I. Nguyên nhân do công tác phối hợp và cách hiểu chưa thống nhất giữa Hội LHPN tỉnh với các sở, ngành liên quan gây khó khăn, chậm trễ trong tổ chức thực hiện. Cán bộ tham mưu thực hiện Dự án tại một số địa phương chưa nghiên cứu đầy đủ quy định trong các văn bản hướng dẫn của Chương trình, còn lúng túng trong cách hiểu, áp dụng, đặc biệt quy định trong Thông tư số 15/2022/TT-BTC.
Bà Nguyễn Thúy Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết: Theo hướng dẫn của Thông tư 15, chưa quy định cụ thể mức hỗ trợ cho từng mô hình cụ thể, mà chỉ có quy định chung cho các mô hình do Hội Phụ nữ thành lập là 3 triệu đồng để duy trì hoạt động nên ở cơ sở vẫn còn lúng túng trong quá trình triển khai.
Với những hoạt động thiết thực của các CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” sẽ trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em qua đó tạo sự thay đổi tích cực, nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em...
Do vậy, để triển khai thực hiện mô hình hiệu quả, đạt mục tiêu đã đề ra, Hội Phụ nữ các cấp cần chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, lan tỏa mô hình ở cơ sở, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS và miền núi.