Gia đình anh Mùng Văn Hình ở bản Bản Lang 2, xã Bản Lang có gần 1ha đất nương đã nhiều năm trồng chuối tiêu để bán cho thương lái. Sau nhiều năm canh tác, đất đã bạc màu, năng suất và chất lượng kém dần khiến thu nhập của gia đình không ổn định. Đầu năm 2023, khi được chính quyền xã vận động chuyển đổi trồng chanh leo nên gia đình anh đăng ký tham gia.
Nghĩ là làm, sau khi được cấp cây giống, anh Hình bắt tay đào hố trồng chanh leo theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn, thời điểm này, anh và gia đình đang tiến hành xới gốc, bón phân, đi lấy tre về để làm giàn.
Đưa chúng tôi đi thăm mảnh đồi trồng khoảng 300 gốc chanh leo sinh trưởng tốt và cho quả, anh Hình nói: “Từ khi trồng giống cây này tôi rất quan tâm học hỏi kiến thức từ cán bộ nông nghiệp và nhiều kênh thông tin, tôi cải tạo đất và vườn chanh leo nhà tôi đang cho quả với sản lượng và chất lượng khá tốt. Tôi tin với sự đồng hành của chính quyền, cùng mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp thu mua, thì đầu ra cho quả chanh leo sẽ được giải quyết, chắc chắn thu nhập của gia đình tôi sẽ ổn định”, anh Hình hồ hởi chia sẻ.
Với mục tiêu phát triển kinh tế lấy sản xuất nông nghiệp làm tiêu điểm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thời gian qua xã Bản Lang, huyện Phong Thổ đã khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi các khu vực đất nông nghiệp kém hiệu quả, khu vực đất dốc sang canh tác các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, tạo sinh kế mới cho người dân.
Xã Bản Lang là xã thuần nông, diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là đất nương đồi có địa hình dốc, đây là yếu tố quan trọng để lựa chọn giống cây trồng phù hợp và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung. Trong đó chanh leo làm giống cây được ưu tiên lựa chọn và nhân rộng dần trên địa bàn xã.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu cho biết: Mô hình trồng cây chanh leo trên địa bàn xã Bản Lang được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ triển khai thực hiện từ tháng 7/2022 với diện tích gần 28ha.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn các hộ tham gia mô hình kỹ thuật trồng, chăm sóc và kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của chanh leo để giúp người dân tích lũy dần kinh nghiệm.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện và các hộ tham gia, đây là loại cây dễ trồng, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở xã Bản Lang, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Đồng hành cùng bà con có Công ty Cổ phần chanh leo Lai Châu ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con với mức giá dao động từ 15 - 17 nghìn đồng/kg.
Với năng suất và giá bán này, khi toàn bộ diện tích chanh leo cho thu hoạch, tổng doanh thu ước đạt 15 tỷ đồng một năm, trừ chi phí người dân sẽ đạt lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/ha/năm.
“Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, năng suất cao lại được thị trường đón nhận. Chính vì vậy trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cho Nhân dân mở rộng diện tích trồng chanh leo”, ông Thủy cho biết thêm.
Việc phát triển cây chanh leo sẽ là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương, qua đó giúp người nông dân có những đổi mới về tư duy canh tác; biết tận dụng những diện tích đất dốc, đất dôi dư, kém hiệu quả để đầu tư phát triển các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó tăng thêm thu nhập và giảm nghèo bền vững.