Phát huy sức trẻ
Với lợi thế của tuổi trẻ, Người có uy tín của làng Groi, Trưởng thôn Đinh Văn Năng, 43 tuổi, dân tộc Ba Na, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ đã phát huy được sự nhanh nhạy trong tiếp cận thông tin, chính sách, cách làm hay trong việc xây dựng nông thôn mới để chia sẻ, hướng dẫn cho Nhân dân cùng thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Anh Năng cho biết: “Làng Groi có 165 hộ, trong đó có 99% là đồng bào Ba Na và Tày sinh sống. Vì vậy, trong các cuộc họp làng, tôi tranh thủ tuyên truyền cho người dân về các chủ trương của địa phương, vận động dân làng chung sức xây dựng nông thôn mới. Bằng những hình ảnh, nội dung phong phú được đăng tải trên mạng của những địa phương khác, tôi vận động mọi người làm theo. Bản thân tôi cũng gương mẫu khi tiên phong hiến đất làm đường, trồng cây keo phát triển kinh tế… Từ đó, mọi người mới tin và làm theo”.
Theo gương anh Năng, 20 hộ dân trong làng đã tham gia hiến đất làm đường với hàng trăm ngày công, gần 100% hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và đưa khu chăn nuôi cách xa nhà ở; mọi người cùng xây dựng con đường xanh, hàng rào hoa làm đẹp thêm buôn làng… Người dân trong làng ai cũng quyết tâm, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường...
Năm 2024, tỉnh Gia Lai có 967 Người có uy tín được bình xét, công nhận; trong đó, Người có uy tín trẻ tuổi (dưới 45 tuổi) chiếm gần 20%. Người có uy tín tại Gia Lai đang dần được trẻ hóa. Họ nhanh nhạy trong tiếp cận thông tin; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới; luôn nhiệt huyết, tìm tòi, sáng tạo; tiên phong trong các phong trào, cuộc vận động “thay đổi nếp nghĩ cách làm”, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
Góp sức xây dựng quê hương
Plei Hlốp, xã Chư Don, huyện Chư Pưh là làng đặc biệt khó khăn với hơn 90% là đồng bào DTTS Gia Rai. Không chỉ khó khăn trong việc phát triển kinh tế, đồng bào nơi đây, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Gia Rai còn gặp nhiều trở ngại bởi tư duy lạc hậu vẫn tồn tại, cản trở sự phát triển.
Khi địa phương triển khai hoạt động Dự án 8 về "thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", anh Kpui Tiêng, 42 tuổi, dân tộc Gia Rai, Người có uy tín làng Plei Hlốp, nhận ra rằng, cần xóa bỏ định kiến giới thì cuộc sống người dân mới có thể tiến bộ được. Từ đó, anh Tiêng đã tự nguyện tham gia vào Tổ truyền thông cộng đồng.
Anh Tiêng chia sẻ: “Được tham gia các lớp tập huấn, mình có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập trung lao động sản xuất. Đồng thời, dễ dàng theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của người dân, của phụ nữ, trẻ em gái để kịp thời chia sẻ, bảo vệ mọi người”.
Bên cạnh đó, anh Tiêng còn nêu gương sáng về xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong gia đình, dòng họ, ai mà say xỉn, đánh đập vợ con, không chịu làm ăn, anh Tiêng đều khuyên răn, giúp họ bỏ rượu, chia sẻ công việc, khó khăn với người vợ. Nhờ vậy, đến nay, trong làng Plei Hlốp tình trạng bạo lực gia đình đã giảm hẳn, không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Hiện nay, đội ngũ Người có uy tín tại các buôn làng Gia Lai đang dần được “trẻ hóa”. Những người như anh Năng, anh Tiêng là hai trong số những Người có uy tín trẻ tuổi đang cùng với những “cây đại thụ” trong đồng bào DTTS phát huy sức trẻ, góp sức xây dựng cuộc sống cộng đồng ngày càng tốt đẹp, buôn làng khởi sắc.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai Trường Trung Tuyến nhận định, Người có uy tín trẻ tuổi đã và đang phát huy được khả năng, trình độ, nhanh nhạy của mình trong quá trình tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tỉnh Gia Lai luôn quan tâm triển khai kịp thời các chính sách dân tộc cho Người có uy tín. Đặc biệt, trong Chương trình MTQG 1719 có riêng Tiểu Dự án 1, Dự án 10 dành cho Người có uy tín đã tạo động lực để xây dựng đội ngũ Người có uy tín trẻ tuổi kế cận, bổ sung vào đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn. Qua đó, đội ngũ Người có uy tín tiếp tục khẳng định vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền địa phương với Nhân dân, là “điểm tựa” của đồng bào DTTS.