Gia đình ông Hồ Minh, ở xã Thuận (huyện Hướng Hóa) trồng 500 gốc chuối mốc. Trước đây, giá còn ở mức 7.000 - 10.000 đồng/kg thì trung bình mỗi ngày gia đình ông thu nhập 500.000 - 1.000.000 đồng, thương lái còn đến mua tận nhà. Nhưng từ sau tết Nguyên đán đến nay, giá chuối giảm trung bình sâu, chỉ còn 2.500 đồng/kg, chuối chín đỏ vườn mà không bán được.
Ông Trương Đình Tùng, Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu chuối gặp khó khăn, lượng chuối tiêu thụ nội địa cũng giảm. Để tháo gỡ khó khăn, trước mắt, chúng tôi đang vận động doanh nghiệp, tiểu thương, người dân tìm các mối tiêu thụ nhỏ lẻ và chuyển đổi mô hình sản xuất”.
Không chỉ có chuối mà chanh leo cũng đang chung hoàn cảnh. Hàng trăm ha chanh leo trên địa bàn huyện Hướng Hóa đang đến kỳ thu hoạch nhưng giá rất thấp, nhiều hộ trồng chanh đành để mặc chanh chín rụng, bởi thu hoạch không biết bán cho ai, bán ở đâu.
Gia đình ông Lê Đình Tường ở thôn Tân Phú, xã Tân Liên là một trong những hộ được chọn triển khai mô hình thí điểm chanh leo của huyện Hướng Hóa từ năm 2018, với tổng diện tích 2ha, bình quân sản lượng đạt 18 - 20 tấn/ha. Mấy tháng nay, do Covid-19 nên gia đình ông lo lắng sẽ trắng tay vì chanh leo không ai thu mua. “Giá chanh xuống thấp chỉ còn bằng 1/2 thời điểm chưa có dịch bệnh. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài cuộc sống gia đình sẽ gặp khó khăn”, ông Tường chia sẻ.
Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Công Thương phối hợp với người dân tích cực tìm giải pháp, tìm kiếm thị trường, lập và lên mạng Internet kêu gọi giải cứu sản phẩm cho bà con. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ổn định tư tưởng không chặt phá chuối và chanh leo để trồng các loại cây khác”.