Giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế
Là 1 trong 8 vùng dược liệu lớn nhất nước, với hơn 500 ngàn ha rừng tự nhiên, Quảng Nam cũng là địa phương có diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Xác định phát triển dược liệu là giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Nam đã tập trung đẩy mạnh phát triển dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là các loại cây chủ lực, như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, ba kích… tại các huyện miền núi.
Trong quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu tỉnh Quảng Nam sẽ trở thành vùng dược liệu đại diện cho miền Trung - Tây Nguyên. Đây là một quy hoạch rất tốt cho Quảng Nam. Từ quy hoạch này, tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng Đề án để phát triển dược liệu Quảng Nam trở thành trung tâm dược liệu lớn của miền Trung - Tây Nguyên”.
Ông Lê Văn DũngChủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Điển hình như ở huyện biên giới Tây Giang, từ năm 2003, địa phương này đã quy hoạch, sắp xếp, bố trí diện tích trồng và có nhiều cơ chế, chính sách phát triển cây dược liệu. Theo đó, chính quyền khuyến khích đồng bào DTTS tận dụng diện tích đất rừng, đồi trồng và phát triển hằng trăm ha cây dược liệu như: Ba kích, Đẳng sâm, Sa nhân...
“Thời gian qua, nhờ có cây Ba kích, người dân địa phương có nhiều điều kiện để thay đổi cuộc sống. Ba kích là loại cây rất dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian trồng đến chăm sóc không dài lắm, chỉ 3 năm, năng suất thu hoạch thì cao. Điều quan trọng là cần phát triển cây Ba kích thành cây chủ lực giúp người dân địa phương thoát nghèo ”, già làng Bhríu Pố, thôn A Rớh, xã Lăng, huyện Tây Giang chia sẻ.
Theo ông Trần Công Ta, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Giang: “Thời gian qua, huyện đã linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719 để phát triển cây dược liệu. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi thúc đẩy, phát triển các hợp tác xã tham gia vào chuỗi liên kết phát triển dược liệu, vừa tạo ra sản phẩm vừa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Các sản phẩm sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP thì thường xuyên hoàn thiện và nâng cấp”.
“Huyện Tây Giang hiện có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm từ dược liệu đầu tư dây chuyền, xây dựng thương hiệu; phấn đấu đưa sản phẩm dược liệu đặc hữu từ cây Ba kích, Đẳng sâm và đặc sản vùng cao của địa phương đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP”, ông Trần Công Ta cho biết.
Phấn đấu trở thành trung tâm dược liệu khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Cùng với Tây Giang, từ nguồn lực của Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã triển khai hiệu quả nội dung “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”.
Theo đó, chính quyền địa phương hỗ trợ trực tiếp cho các hộ phát triển sản xuất theo nhóm hộ và được giao về cho một hộ làm đầu mối. Đại diện nhóm hộ sẽ tổ chức sản xuất, các hộ khác trong nhóm cùng tham gia. Điều này giúp nhóm hộ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, nâng cao trách nhiệm trong liên kết phát triển sản xuất, từng bước hình thành chuỗi sản xuất dược liệu quy mô lớn.
Nhờ đẩy mạnh triển khai các nội dung hỗ trợ theo Dự án 3, Chương trình MTQG 1719, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Nam có thêm nguồn lực phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý. Từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh và các hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có đến 70% lao động là đồng bào DTTS.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: Thực hiện Chương trình MTQG 1719, địa phương đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất và các nhóm tổ hợp tác. Sắp tới, huyện sẽ nhân rộng các mô hình hay trong phát triển cây dược liệu để các hộ dân liên kết sản xuất, cùng tham gia, gắn kết nhau, giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Với những lợi thế và ưu đãi của thiên nhiên, tỉnh Quảng Nam có tiềm năng rất lớn để hình thành chuỗi sản xuất dược liệu quy mô lớn. Trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành trung tâm dược liệu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo chia sẻ của ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện, tỉnh đang tập trung phát triển chuỗi sản xuất dược liệu quy mô lớn, trở thành ngành sản xuất chính cho người dân miền núi nói riêng và người người dân tỉnh Quảng Nam nói chung.
“Trong quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu tỉnh Quảng Nam sẽ trở thành vùng dược liệu đại diện cho miền Trung - Tây Nguyên. Đây là một quy hoạch rất tốt cho Quảng Nam. Từ quy hoạch này, tỉnh đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng Đề án để phát triển dược liệu Quảng Nam trở thành trung tâm dược liệu lớn của miền Trung - Tây Nguyên” - ông Lê Văn Dũng cho biết.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã cấp gần 28,5 tỷ đồng để hỗ trợ cây giống sâm Ngọc Linh và cây giống dược liệu phát triển diện tích trồng mới. Đã có gần 1.700 hộ dân được hỗ trợ hơn 103.300 cây sâm Ngọc Linh. Người dân các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang đã trồng mới gần 50ha dược liệu ba kích, chè dây, bảy lá một hoa, thổ phục linh. Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích khoảng 64.000ha; trong đó diện tích đã trồng hiện có gần 2.500ha, diện tích quy hoạch trồng mới hơn 61.000ha.