Mục tiêu của nội dung 2 về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719 tại Nghệ An, là bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gien dược liệu, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Từ nội dung này của Chương trình MTQG 1719, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của vùng đất miền Tây, tỉnh Nghệ An đã quy hoạch, lựa chọn 5 địa phương gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu để triển khai nội dung 2 về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.
Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An (Sở NN&PTNT) đã ban hành Công văn số 3081/SNN-KL ngày 30/7/2024 về việc phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành, để thực hiện tổ chức tham mưu triển khai nội dung này.
Theo đó, ngày 16/8/2024, Sở NN&PTNT Nghệ An cũng đã tổ chức buổi làm việc để triển khai nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn tỉnh, với các sở, huyện, công ty, gồm: Sở Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc tỉnh; Ủy ban Nhân dân 5 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong; Lãnh đạo Tập đoàn TH và Công ty Cổ phần dược liệu TH.
Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn UBND các huyện xây dựng kế hoạch để thông báo tổ chức lựa chọn dự án; chủ trì liên kết trong dự án vùng trồng dược liệu quý. Đến nay, huyện Kỳ Sơn đã hoàn thành kế hoạch và đã chuẩn bị đăng tải để lựa chọn đơn vị chủ trì và dự án vùng trồng dược liệu quý theo quy định tại Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Riêng 4 huyện còn lại vẫn đang trong giai đoạn triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An chia sẻ: Tổng số vốn đã phân bổ cho 5 huyện thực hiện là 18,601 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa triển khai và giải ngân được nguồn vốn.
Qua tìm hiểu được biết, nội dung thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý theo Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719 đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do quá trình triển khai liên quan đến nhiều luật, nghị định, thông tư trên nhiều lĩnh vực như đất đai, trồng trọt, dược, lâm nghiệp, tín dụng…
Việc xác định quy trình, định mức hỗ trợ, cơ chế hỗ trợ, hướng dẫn lập dự toán và mua sắm trang thiết bị, vật tư, quyết toán nguồn vốn... hiện chưa rõ. Hiện nay, việc hình thành liên kết sản xuất đối với dược liệu ở vùng đồng bào DTTS&MN còn nhiều hạn chế, không thu hút được các chủ thể tiếp cận Chương trình. Do đó, việc lựa chọn đơn vị chủ trì liên kết trong triển khai thực hiện Dự án gặp khó khăn, các doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực, không mặn mà với lĩnh vực đầu tư này.
Đáng chú ý, đối với 5 huyện miền núi, nơi triển khai dự án là vùng sâu, vùng xa, địa hình khó khăn, phức tạp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trình độ nhận thức, dân trí và kỹ thuật còn hạn chế, khó thu hút được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp. Trong khi đó, nguồn nhân lực của huyện để triển khai thực hiện dự án dược liệu quý còn thiếu, năng lực hạn chế.
Bên cạnh đó, quy trình trồng một số loài dược liệu hiện chưa có và chưa ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật cụ thể, chi tiết cho từng đối tượng dược liệu quý, gây khó khăn cho việc hướng dẫn, triển khai thực hiện vùng trồng đảm bảo chất lượng và dự toán kinh phí thực hiện Dự án, cũng như định mức hỗ trợ, đóng góp của các bên tham gia.
Từ thực tế khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Sở NN&PTNT Nghệ An đang trình Bộ Y tế, xem xét điều chỉnh nhiều nội dung. Như cần sớm rà soát, ban hành quy trình định mức kinh tế, kỹ thuật đối với các loài dược liệu định hướng phát triển dược liệu có giá trị kinh tế cao; rà soát, cập nhật trong Danh mục 100 loại dược liệu giá trị định hướng phát triển đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường. Cụ thể là một số loài như: Giảo cổ lam, Thảo đậu khấu, Hoàng tinh hoa đỏ, Hoàng tinh hoa trắng, Gù hương, Vù hương, Đàn hương…
Để làm cơ sở cho việc liên kết, hợp tác, Bộ Y tế cần sửa đổi Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022 và Thông tư số 12/2023/TT-BYT ngày 06/6/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2022/TT-BYT ngày 22/9/2022, theo hướng trên địa bàn các huyện miền núi có doanh nghiệp vào ký kết bao tiêu sản phẩm cho dân và không bắt buộc doanh nghiệp phải phải đầu tư cơ sở hạ tầng tại các huyện có phát triển cây dược liệu.