Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình MTQG 1719 góp phần bảo tồn văn hóa đồng bào Raglay

Thái Sơn Ngọc - 06:26, 08/11/2024

Phước Hà là vùng căn cứ kháng chiến được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã An toàn khu (ATK) huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Chính quyền địa phương đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương. Đặc biệt, việc thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần quan trọng bảo tồn văn hóa của đồng bào Raglay.

Nghệ nhân Bà Rá Thừa truyền dạy biểu diễn mã la cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phước Hà
Nghệ nhân Bà Rá Thừa truyền dạy biểu diễn mã la cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Phước Hà

Trở lại xã ATK Phước Hà vào những ngày đầu tháng 10/2024, chúng tôi thật sự vui mừng trước diện mạo nông thôn mới được Nhà nước đầu tư ngày càng phát triển. Ông Tạ Yên Mơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà đưa chúng tôi tham quan ngôi nhà truyền thống xây dựng kiên cố, thiết kế theo mô hình nhà sàn của đồng bào Raglay. Công trình có diện tích sử dụng trên 180m2, vốn đầu tư 1,1 tỷ đồng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), hoàn thành đưa vào hoạt động đầu năm 2023. Nhà truyền thống trưng bày nhiều hiện vật gắn bó với đời sống cư dân địa phương, gồm các nhóm hiện vật âm nhạc, dụng cụ sinh hoạt, thiết bị phục vụ sản xuất, sản phẩm nông nghiệp.

Ông Mơn giới thiệu nhóm nhạc cụ trưng bày tại Nhà truyền thống gồm có mã la, chapi, trống cái, trống đất, kèn bầu, kèn katek. Đây là những loại nhạc cụ hòa tấu, tạo nên âm thanh vang vọng trong không gian rộng lớn, gắn kết tình cảm bà con bản làng những mùa lễ hội truyền thống. Theo quy hoạch phát triển văn hóa, xã ATK Phước Hà trở thành điểm đến du lịch của huyện Thuận Nam.

Các Dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 thực sự phát huy tốt hiệu quả đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ nguồn vốn Dự án 6 giúp địa phương xây dựng Nhà truyền thống, phục chế các vật dụng sinh hoạt, sản xuất của đồng bào Raglay”.

Ông Tạ Yên Mơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà

Mã la được xem là nhạc cụ tiêu biểu cũng là tài sản quý giá của tộc họ và là nhạc cụ “thiêng” trong đời sống tâm linh của đồng bào Raglay. Mã la được các tộc họ sử dụng phổ biến trong nghi lễ truyền thống của cộng đồng người Raglay. Dự án 6 Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ xã Phước Hà tổ chức các lớp truyền dạy biểu diễn mã la cho trên 40 học viên là thanh niên và học sinh địa phương. Lớp truyền dạy mã la do các nghệ nhân Tà Thía Banh, Tạ Yên Lơ, Bà Rá Thừa tâm huyết truyền dạy với ước mong con em bản làng gìn giữ, phát huy nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.

Riêng Nghệ nhân Ưu tú Tạ Yên Lơ truyền dạy biểu diễn mã la cho 26 thanh, thiếu niên tộc họ Tain, tích cực góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào Raglay. Đội văn nghệ tộc họ Tain do anh truyền dạy đã xuất sắc đoạt giải Đặc biệt tiết mục hát dân ca, tấu mã la, múa lễ tại Hội thi trình diễn nhạc cụ mã la đồng bào Raglay tỉnh Ninh Thuận. Những Người có uy tín như Tà Thía Ca, Tạ Yên Chao, Trà Văn Có, Bà Râu Đắc, Chamaleá Tuế động viên các nghệ nhân và bà con thôn xóm tích cực tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc Raglay tại địa phương.

Phước Hà hiện có 983 hộ với 4.037 khẩu đồng bào Raglay sinh sống, tập trung ở 5 thôn: Trà Nô, Rồ Ôn, Giá, Là A, Tân Hà. Các tộc họ đồng bào Raglay tiêu biểu như Tà Thía, Ka Dá, Tạ Yên, Ô Rai, Bà Râu, Chamaleá, Trà Văn, chăm lo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Trong đó có Lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglay xã Phước Hà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tập quán xã hội và tín ngưỡng năm 2023. Bằng chứng nhận di sản văn hóa và cây nêu là vật thiêng của nghi lễ ăn mừng đầu lúa được trưng bày tại Nhà truyền thống phục vụ du khách tham quan và giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa cho thanh, thiếu niên địa phương.

Nhà truyền thống đồng bào Raglay được đầu tư xây dựng tại thôn Giá, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận từ nguồn vốn thuộc Dự án 6 Chương trình MTQG 1719
Nhà truyền thống đồng bào Raglay được đầu tư xây dựng tại thôn Giá, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận từ nguồn vốn thuộc Dự án 6 Chương trình MTQG 1719

Lễ ăn mừng đầu lúa mới (Bbâk Akok Padai, tiếng Raglay) được tổ chức nhằm đánh dấu kết thúc một chu kỳ sản xuất, tạ ơn thần linh đã ban cho vụ mùa tươi tốt, bội thu. Đồng thời, cầu mong thần linh tiếp tục ban cho những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống và vụ mùa sắp tới. Đây là niềm vinh dự và tự hào của đồng bào Raglay xã Phước Hà trong việc gìn giữ tập quán tốt đẹp được ông bà xưa truyền lại cho con cháu ngày nay. Lễ ăn mừng đầu lúa mới có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là dịp bà con gặp nhau thăm hỏi vào dịp đầu năm mới, khen thưởng con cháu đạt thành tích cao trong học tập, gắn kết tình thân tộc giúp vốn làm ăn, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, chung tay xây dựng thôn xóm giàu đẹp.

Các Dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 thực sự phát huy tốt hiệu quả đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ nguồn vốn Dự án 6 giúp địa phương xây dựng Nhà truyền thống, phục chế các vật dụng sinh hoạt, sản xuất của đồng bào Raglay. Phước Hà đạt 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới; trong đó có tiêu chí số 6 là cơ sở vật chất văn hóa. Cán bộ, Nhân dân Phước Hà nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2025”, ông Tạ Yên Mơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà phấn khởi cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.