Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Giồng Riềng (Kiên Giang): “Chuyển mình” từ phát huy các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719

Như Tâm - Khánh Thư - 15:59, 05/11/2024

Huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đang có những bước chuyển mình phát triển rõ nét nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Trong đó, nổi bật là Dự án 1 và Dự án 3 đã tạo ra những tác động sâu sắc đối với đời sống đồng bào DTTS, cải thiện đáng kể hạ tầng cơ sở và phát triển các mô hình kinh tế bền vững.

Giao thông nông thôn vùng đồng bào DTTS của huyện Giồng Riềng luôn được quan đầu tư
Giao thông nông thôn vùng đồng bào DTTS của huyện Giồng Riềng luôn được quan tâm đầu tư

Hạ tầng vững, sinh kế bền

Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719 được xây dựng đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản của đồng bào DTTS ở huyện Giồng Riềng, từ nhà ở, đất sản xuất đến nước sinh hoạt. Trong giai đoạn qua, với  kinh phí đầu tư hơn 16 tỷ đồng, Dự án 1 đã sớm phát huy hiệu quả. Đến nay, nguồn kinh phí từ dự án đã xây dựng được 106 căn nhà cho các hộ khó khăn về nhà ở là người DTTS, giúp nhiều gia đình thoát khỏi tình trạng nhà tạm bợ. Bên cạnh đó, 4 hộ gia đình khác cũng đã được hỗ trợ đất ở, tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định chỗ ở lâu dài.

Đặc biệt, hệ thống cấp nước sinh hoạt đã được cải thiện đáng kể, với 5 trạm cấp nước ở các xã như Ngọc Chúc, Bàn Tân Định và Long Thạnh. Những trạm cấp nước này không chỉ phục vụ nhu cầu nước sạch của người dân, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ 157 hộ chuyển đổi nghề, giúp người dân có cơ hội mới để tự chủ kinh tế.

Bên cạnh việc giải quyết các nhu cầu về nhà ở và nước sạch, Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719 cũng tập trung vào mục tiêu nâng cao thu nhập và phát huy thế mạnh nông nghiệp của địa phương, thông qua các mô hình sản xuất bền vững. Với tổng kinh phí hỗ trợ 164 triệu đồng, Dự án đã triển khai các mô hình kinh tế mới, như trồng ngó riềng và nuôi cá rô trong vèo, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân.

Các mô hình này không chỉ giúp các hộ dân tăng thu nhập, mà còn giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp. Việc hỗ trợ giống cây trồng, phân sinh học và thức ăn cho cá, là những yếu tố quan trọng để đảm bảo mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao và bền vững, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.

Có thể thấy, nhờ những chính sách kịp thời và hiệu quả từ Chương trình MTQG 1719, Giồng Riềng đã có những bước tiến quan trọng trong việc cải thiện điều kiện sống và nâng cao đời sống vật chất cho người dân. 

Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm đáng kể, từ 1.938 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,65% so với tổng dân số của huyện của năm 2020, đến cuối năm 2023 giảm còn 670 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,23%, tạo niềm tin vững chắc vào những thay đổi lâu dài cho người dân tại đây.

Sản phẩm ngó riềng đạt chuẩn OCOP 3 sao được trưng bày tại Đại hội đại biểu các DTTS huyện Giồng Riềng năm 2024
Sản phẩm ngó riềng đạt chuẩn OCOP 3 sao được trưng bày tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Giồng Riềng năm 2024

Hướng tới tương lai thịnh vượng

Trong Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Giồng Riềng lần thứ IV - năm 2024 diễn ra vào tháng 6 vừa qua, huyện Giồng Riềng phấn đấu đến năm 2029 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 6,5%, và thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS đạt 62 triệu đồng/năm.

Mục tiêu này không chỉ thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo và người dân huyện Giồng Riềng, mà còn thể hiện sự kỳ vọng, tin tưởng về nguồn lực đầu tư mang tính bền vững của Chương trình MTQG 1719 sẽ tạo cơ hội để địa phương và người dân hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm đều từ 0,5 đến 1% mỗi năm (trừ đối tượng bảo trợ xã hội), đảm bảo các hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, không còn tình trạng nhà ở dột nát, xiêu vẹo. Các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số cũng được cam kết giải ngân đúng kế hoạch, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Mô hình nuôi cá trong vèo rất phù hợp với qui mô đầu tư về đồng vốn hỗ trợ từ Chương trình
Mô hình nuôi cá trong vèo rất phù hợp với qui mô đầu tư về đồng vốn hỗ trợ từ Chương trình

Ông Huỳnh Văn Thái Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, thực hiện các mục tiêu nêu trên, một trong những hướng đi chiến lược của huyện Giồng Riềng, là xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất nông sản địa phương, với mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa qua hợp tác xã và liên kết doanh nghiệp. Huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã và mở rộng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm của đồng bào các DTTS.

"Việc phát triển chuỗi giá trị, không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, mà còn đảm bảo sản phẩm nông sản của huyện có thể vươn xa hơn, tăng cường sự kết nối và tiêu thụ hàng hóa. Với các chính sách hỗ trợ đồng bộ về vốn, công nghệ và đào tạo nghề, người dân sẽ có thêm kiến thức và kỹ năng để phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững", ông Quỳnh nêu định hướng.

Nhìn về tương lai, với mục tiêu rõ ràng và sự quyết tâm của chính quyền và người dân, Giồng Riềng sẽ tiếp tục chuyển mình, trở thành một điểm sáng trong công tác hỗ trợ và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. 

Những nỗ lực này không chỉ góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả vùng, từng bước hiện thực hóa khát vọng về một cuộc sống no ấm và hạnh phúc cho đồng bào DTTS tại Giồng Riềng.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.