Qua lời giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Song Phụng, chúng tôi tìm đến nhà ông Sáu Công để tận mắt chứng kiến giàn chanh leo khoảng 200 dây, trong đó có 15 dây đang cho trái. Theo lời ông Sáu Công, cách đây vài năm, trong lần đọc báo, ông biết về công dụng của trái chanh leo, rất tốt cho sức khỏe. Sau đó, ông đã tìm mua 10 hạt giống với suy nghĩ trồng vài dây để thu hoạch trái cho gia đình.
Trong 10 hạt giống chỉ có 5 hạt nẩy mầm nhưng chỉ có 2 dây cho trái. Tuy nhiên, với vùng nước mặn, lại bị nhiễm phèn dây chanh leo sống không thọ, cho thu hoạch trái không lâu. Từ đó, ông lại tìm kiếm thông tin và nghiên cứu khắc phục nhược điểm cho cây chanh leo trên đất mặn.
“Tôi không dám nói là ý tưởng hay nghiên cứu vì nó quá to tát đối với nông dân chúng tôi. Từ thực tế trong sinh hoạt, tôi thấy dây nhãn lồng, một loại dây leo sống tốt trên vùng đất này, có những đặc tính giống chanh leo mà thời gian sống rất lâu, phát triển tốt trên đất hạn mặn, nên tôi bắt đầu ghép cây thử, chẳng những thành công về tuổi thọ mà chanh leo còn có vị ngọt thanh, mùi thơm đậm đà”, ông Sáu Công cho biết.
Theo ông Sáu Công, mỗi gốc chanh leo, sau 5 tháng lai ghép, bắt đầu cho trái chín lần đầu. Với 15 dây chanh cho trên 300kg trái, với giá bán 100 nghìn đồng/kg, thu nhập từ chanh leo cao gấp 5 lần so với trồng dưa chuột hay bí, bầu…
Đặc biệt, loại chanh dây ngọt này chỉ cần làm giàn cho dây leo, không tốn nhiều phân bón và công chăm sóc, trái sẽ ra liên tục, có thời gian sinh trưởng từ 3 đến 4 năm. Nếu như chanh dây thông thường, khi uống cần lấy ruột pha với nước và bỏ thêm chút đường, thì chanh leo này khi dùng chỉ cần chẻ đôi lấy muỗng múc hạt bên trong ăn hoặc dùng để pha thức uống kèm với đá lạnh đã có vị ngọt mát, mùi thơm hấp dẫn. Hiện nay, có rất nhiều bà con trong và ngoài tỉnh hỏi mua nhưng ông không có đủ số lượng để cung cấp.
Ông Huỳnh Đoan Trực, Phó Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Long Phú cho biết, mô hình trồng chanh leo ngọt của ông Sáu Công đã được chính quyền địa phương và một số đơn vị chuyên môn của huyện đã đến thăm quan và có ghi nhận bước đầu về thành công lai tạo giống chanh ngọt.
“Trong thời gian sắp tới, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Long Phú sẽ hỗ trợ cho ông Sáu Công thực hiện thí điểm mô hình với diện tích khoảng 3.000m2, trong đó sẽ hỗ trợ 30% tiền giống, nếu đầu ra ổn định, đơn vị sẽ tiếp tục nhân rộng thêm trong thời gian tới”, ông Trực cho biết thêm.
Được biết, đầu năm 2019, chanh ngọt của ông Sáu Công được chọn tham dự Hội thi trái ngon, do Viện ăn quả miền Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức đánh giá cao về hình màu sắc của quả, cũng như chất lượng về mùi vị. Tuy nhiên, do chanh leo của ông Sáu Công chưa có giấy chứng nhận về nguồn gốc nên chỉ đạt giải Khuyến khích.
“Về giống chanh leo ngọt của ông Sáu Công đã được địa phương, Phòng Nông nghiệp và bà con nơi đây kiểm nghiệm và công nhận đây là giống chanh dây ngọt rất độc, lạ. Hiện nay, địa phương cũng đang hỗ trợ ông đăng ký nguồn gốc và thương hiệu để giống chanh dây ngọt của ông có nguồn gốc rõ ràng”, ông Trần Hữu Thành, Phó Bí thư Đảng ủy xã Song Phụng thông tin thêm.
N.TÂM