Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thông tin đối ngoại

Hành trình của một thương hiệu quốc tế về giảm nghèo: Khẳng định vai trò truyền thông (Bài cuối)

Khánh Thi - 11:31, 27/10/2022

Với tỷ lệ 98,13% người dân trên địa bàn đặc biệt khó khăn biết đến Chương trình 135 cho thấy sức lan tỏa của Chương trình; từ đó phát huy tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Kết quả này là nhờ công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 135.

Báo Dân tộc và Phát triển là một mũi chủ công trong tuyên truyền Chương trình 135 suốt 20 năm qua. (Ảnh: Ban Dân tộc Phú Yên)
Báo Dân tộc và Phát triển là một mũi chủ công trong tuyên truyền Chương trình 135 suốt 20 năm qua. (Ảnh: Ban Dân tộc Phú Yên)

Tăng cường truyền thông

Từ khi bắt đầu (năm 1998) cho đến nay, Chương trình 135 là chương trình được triển khai ở địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đại đa số các xã, thôn bản nằm trong diện đầu tư của Chương trình đều có cơ sở hạ tầng yếu kém, nhiều xã chưa ‘phủ” điện lưới, nhiều thôn bản chưa có đường; hệ thống thông tin liên lạc gần như là con số “Không”.

Bởi vậy, để người dân nắm bắt chủ trương, chính sách là rất khó khăn; hơn nữa, tại địa bàn đặc biệt khó khăn không chỉ có Chương trình 135 mà còn có rất nhiều chương trình, dự án khác triển khai cùng lúc. Vậy nhưng, ngay tại thời điểm năm 2008, qua khảo sát ngẫu nhiên 2.083 người tại các địa bàn triển khai Chương trình 135 tại 10 tỉnh, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra, có 98,13% người biết đến Chương trình.

Trong các báo, tạp chí cấp không thu tiền cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, được triển khai từ năm 2002 đến nay, Báo Dân tộc và Phát triển – Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc; Diễn đàn của đồng bào các dân tộc Việt Nam đã khẳng định được vị thế là tờ báo chính thống tuyên truyền về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Báo cũng là mũi chủ công trên mặt trận tuyên truyền Chương trình 135 trong 20 năm qua, góp phần vào thành công của một thương hiệu giảm nghèo của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sau khi kết thúc giai đoạn II (2006 – 2010), Chính phủ đã đúc kết thành công này, là nhờ công tác tuyên truyền, vận động về Chương trình được chú trọng thực hiện từ Trung ương tới cơ sở. Tại thời điểm năm 2010, Báo cáo số 49/BC-CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ về Kết quả chỉ đạo, thực hiện xoá đói giảm nghèo qua Chương trình 135; việc quản lý, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2006 – 2010, đã đánh giá rất cao vai trò của truyền thông trong Chương trình 135.

“Chương trình 135 là chương trình đầu tiên xây dựng chiến lược truyền thông toàn diện, thể hiện mức độ quan tâm đến tuyên truyền, vận động đối với Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các đoàn thể và cộng đồng cùng cố gắng, nỗ lực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo; tăng cường sự công khai, minh bạch, phát huy dân chủ cơ sở trong thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, của Chương trình nói riêng”, Báo cáo số 49/BC-CP khẳng định.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác truyền thông Chương trình 135, được thực hiện thông qua nhiều hình thức. Trong đó, có hình thức thông báo công khai về định mức đầu tư hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng tại trụ sở UBND xã, các nơi đông người. Chủ trương, chính sách về Chương trình cũng được chuyển tải đến người dân vùng sâu, vùng xa thông qua Dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng; qua Dự án trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật. Đây đều là những hơp phần cấu thành của Chương trình 135 trong suốt hơn 20 năm triển khai, qua 3 giai đoạn thực hiện.

Thông báo công khai về định mức đầu tư hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng tại trụ sở UBND xã giúp người dân nắm bắt được chủ trương, chính sách Chương trình 135.
Thông báo công khai về định mức đầu tư hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng tại trụ sở UBND xã giúp người dân nắm bắt được chủ trương, chính sách Chương trình 135.

Đặc biệt, kênh tuyên truyền hiệu quả để người dân nắm bắt được Chương trình 135, là các báo, tạp chí cấp không thu tiền cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, được triển khai từ năm 2002 đến nay. Theo đánh giá của Chính phủ, cùng với tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các cơ quan báo chí đã tăng cường truyền tải thông tin về các hoạt động, kết quả, đối tượng hưởng lợi của Chương trình 135 đến cán bộ các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng trong đổi mới công tác quản lý, điều hành, huy động sự tham gia, đóng góp nguồn lực của xã hội, của cộng đồng quốc tế cho Chương trình.

Kế thừa và phát triển

Chương trình 135 là điển hình của hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, là thương hiệu về giảm nghèo của Ủy ban Dân tộc nói riêng, của Việt Nam nói chung, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. 

Sau hơn 20 năm triển khai, thành quả của Chương trình, không chỉ làm nền tảng để triển khai các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 – 2020, mà còn là những kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trong 5 năm, 10 năm tới.

Các báo, tạp chí cấp không thu tiền cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi là kênh tuyên truyền hiệu quả để người dân nắm bắt được Chương trình 135. (Kiểm tra công tác phát hành Báo Dân tộc và Phát triển tại xã khu vực III Tòng Đậu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình)
Các báo, tạp chí cấp không thu tiền cho các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, là kênh tuyên truyền hiệu quả để người dân nắm bắt được Chương trình 135. (Kiểm tra công tác phát hành Báo Dân tộc và Phát triển tại xã khu vực III Tòng Đậu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình)

Theo Báo cáo số 1533/BC-UBDT ngày 11/11/2020 của Ủy ban Dân tộc về kết quả rà soát chính sách pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, toàn vùng có 48 chính sách được triển khai thực hiện; có 27 chính sách được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) vùng đồng bào DTS và miền núi (Chương trình mục tiêu quốc gia). Chương trình 135 là một trong 27 chính sách được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong các cuộc họp của Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh lưu ý, đây là lần đầu tiên có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; bên cạnh 27 chính sách được tích hợp thì Chương trình có nhiều chính sách mới, với những quy trình, quy định mới.

 Do đó, công tác tuyên truyền, vận động để cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc nắm bắt được, từ đó tích cực, chủ động tham gia Chương trình là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, để đưa thông tin đến đúng đối tượng, kịp thời, nhanh chóng, chính xác, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, vì lợi ích của đồng bào DTTS.

Phản ánh các mô hình kinh tế hiệu quả để tạo sức lan tỏa là một nội dụng trọng tâm trong truyền thông chính sách dân tộc. (Trong ảnh: Phóng viên tìm hiểu mô hình trồng rau trong nhà kính của nông dân Nhật Bản triển khai tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng)
Phản ánh các mô hình kinh tế hiệu quả tạo sức lan tỏa, là một nội dụng trọng tâm trong truyền thông chính sách dân tộc. (Trong ảnh: Phóng viên tìm hiểu, viết bài về mô hình trồng rau trong nhà kính của nông dân Nhật Bản triển khai tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng)

Từ kinh nghiệm thực hiện Chương trình 135 và một số chương trình, dự án khác, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng chiến lược truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia một cách bài bản tại Quyết định số 495/QĐ-UBDT, ngày 28/7/2022. Sau đó, các tỉnh/thành phố cũng đã ban hành kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 - 2025.

Trong Quyết định số 495/QĐ-UBDT, ngày 28/7/2022, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc yêu cầu, công tác truyền thông phải bám sát đường lối, chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc, phổ biến kịp thời những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia và các nội dung có liên quan khác đến người dân và được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia, phản hồi của người dân trên địa bàn thực hiện Chương trình MTQG. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức triển khai; đa dạng hóa hình thức, phương tiện truyền thông, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia.

10 Dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2023; giai đoạn I: 2021 – 2025 được phê duyệt tại Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 gồm 10 Dự án thành phần:

Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt

Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.

Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực công tác dân tộc.

Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Để thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS, cùng với việc nâng cao điều kiện sống hiện tại thì việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ, là rất quan trọng. Đây cũng là mục tiêu của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025.