Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thông tin đối ngoại

Hành trình của một thương hiệu quốc tế về giảm nghèo: Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát và hậu kiểm (Bài 2)

Khánh Thi - 11:07, 26/10/2022

Hàng vạn công trình hạ tầng được đầu tư; hàng triệu hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất; số tiền chi sai mục tiêu của Chương trình bằng 0,05 % tổng vốn đầu tư, ít nhất trong các chương trình đã được kiểm toán. Đây là kết quả từ sự công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện Chương trình 135, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và tin tưởng.

Chương trình 135 góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chương trình 135 góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tăng cường “hậu kiểm”

Kiểm toán là một hoạt động nổi bật trong suốt quá trình thực hiện Chương trình 135. Việc tăng cường công tác “hậu kiểm”, đã góp phần nhân rộng những cách làm sáng tạo, hiệu quả; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế để Chương trình đạt hiệu quả cao nhất trong thực tiễn. Trong năm 2022, khi Chương trình 135 đã được tích hợp vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025, công tác “hậu kiểm” vẫn được chú trọng.

Theo kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) được ban hành tại Quyết định số 1985/QĐ-KTNN ngày 2/12/2021), KTNN sẽ tiến hành 33 cuộc kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Trong đó, KTNN sẽ kiểm toán các công trình, hạ tầng do Chính phủ Ai Len tài trợ cho Chương trình 135 năm 2019 tại 5 tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Trà Vinh. Trong tháng 4 vừa qua, công tác kiểm toán đã được triển khai tại các địa phương.

Trước đó, từ năm 2017 đến 2020, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III, Ủy ban Dan tộc phối hợp cùng KTNN, cũng đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán tại các địa phương triển khai Chương trình. Kết quả kiểm toán chỉ rõ, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn Chương trình 135 hiệu quả, ít thất thoát, đảm bảo công khai, minh bạch. Các công trình hạ tầng được đầu tư từ Chương trình, đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, thúc đẩy phát triển KT – XH ở địa bàn này.

Đặc biệt, nguồn vốn của Chương trình đã được lồng ghép hiệu quả với vốn của các chương trình, dự án khác. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất do đồng bào DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn làm chủ đã hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cho chính người dân và lan tỏa giá trị trong cộng đồng.

Đơn cử, từ vốn hỗ trợ của Chương trình 135 lồng ghép với vốn Đề án “Mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của tỉnh Lào Cai, từ năm 2018, huyện Bát Xát đã phát triển mô hình liên kết sản xuất gạo Séng Cù giữa nông dân xã Mường Vi với Hợp tác xã Tiên Phong. Qua 4 năm thực hiện, bình quân mỗi năm, xã Mường Vi cung cấp ra thị trường khoảng 1.600 tấn thóc Séng Cù với giá bán cao gấp đôi các loại thóc thường, mang lại giá trị thu nhập hàng chục tỷ đồng.

Từ năm 2017 đến 2020, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III, Ủy ban Dan tộc phối hợp cùng KTNN cũng đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán tại các địa phương triển khai Chương trình 135. (Trong ảnh: Đoàn kiểm toán kiểm tra thực địa tại Dự án Đường giao thông Nặm Thuổng - Uổng Luộc, xã Sỹ Hai, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng)
Từ năm 2017 đến 2020, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III, Ủy ban Dan tộc phối hợp cùng KTNN cũng đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán tại các địa phương triển khai Chương trình 135. (Trong ảnh: Đoàn kiểm toán kiểm tra thực địa tại Dự án Đường giao thông Nặm Thuổng - Uổng Luộc, xã Sỹ Hai, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng)


Một điểm nhấn khác trong công tác “hậu kiểm” thuộc Chương trình 135 là công khai kết quả kiểm toán. Theo Báo cáo số 49/BC-CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ về tổng kết Chương trình 135 giai đoạn II (2006 – 2010), trong giai đoạn này, Ủy ban Dân tộc phối hợp với KTNN tổ chức kiểm toán Chương trình 135 trên địa bàn 32/50 tỉnh. Kết thúc các đợt kiểm toán, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức họp báo, đăng tải công khai kết quả trên trang thông tin điện tử.

Chương trình 135 là chương trình giảm nghèo đầu tiên được tổ chức họp báo công khai kết quả kiểm toán trong giai đoạn 2006 – 2010. Qua kiểm toán, KTNN xác định, Chương trình có số tiền chi sai mục tiêu bằng 0,05 % tổng vốn đầu tư, ít nhất trong các chương trình đã được kiểm toán”, Báo cáo số 49/BC-CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ khẳng định.

Giám sát chặt chẽ

Cùng với tăng cường “hậu kiểm”, công tác giám sát trong quá trình thực hiện Chương trình 135 cũng được thực hiện chặt chẽ. Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương và các nhà tài trợ quốc tế tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện Chương trình tại cơ sở.

Chỉ tính trong giai đoạn II, theo Báo cáo số 49/BC-CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức các đoàn giám sát Chương trình 135 tại 14 tỉnh đại diện cho các vùng, miền trong cả nước. Đồng thời, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Hội đồng Dân tộc Quốc hội và các nhà tài trợ Quốc tế, tổ chức 6 đợt giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn 30 tỉnh (mỗi năm 2 lần vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm).

Trong suốt hành trình hơn 20 năm triển khai Chương trình 135, công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên được triển khai. (Trong ảnh: Đoàn kiểm tra của Ủy Ban Dân tộc kiểm tra Chương trình 135 tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng năm 2014- Ảnh TL)
Trong suốt hành trình hơn 20 năm triển khai Chương trình 135, công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên được triển khai. (Trong ảnh: Đoàn kiểm tra của Ủy Ban Dân tộc kiểm tra Chương trình 135 tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng năm 2014- Ảnh TL)

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 135 tại cơ sở, còn có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn của tỉnh, của huyện và của xã và thôn/bản. Do đó, các công trình hạ tầng được đầu tư từ Chương trình 135 đảm bảo chất lượng, kịp thời nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng theo kế hoạch, phát huy được hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân trong sản xuất và sinh hoạt.

Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 của Ủy ban Dân tộc về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, trong giai đoạn 2011 – 2020, Chương trình 135 đã đầu tư 41.090 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và chợ nông thôn...) tại địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Trước đó, trong giai đoạn II (2006 – 2010), Chương trình đã đầu tư 12.646 công trình; giai đoạn I (1998 – 2005) đầu tư 20.026 công trình hạ tầng. Các công trình hạ tầng được đầu tư, đã góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các xã vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho Nhân dân đi lại thuận tiện, giao lưu hàng hoá, phát triển sản xuất, ổn định đời sống đồng bào các DTTS; thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Cùng với các bộ ngành Trung ương thì ở các địa phương, công tác giám sát kết quả thực hiện Chương trình 135 cũng rất chặt chẽ. (Trong ảnh: HĐND huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên giám sát việc hỗ trợ máy nổ Dieezen thuộc Chương trình 135 tại xóm Đồng Dong, xóm Xuất Tác ngày 18/4/2022).
Cùng với các bộ ngành Trung ương, tại địa phương, công tác giám sát kết quả thực hiện Chương trình 135 cũng rất chặt chẽ. (Trong ảnh: HĐND huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên giám sát việc hỗ trợ máy nổ Dieezen thuộc Chương trình 135 tại xóm Đồng Dong, xóm Xuất Tác ngày 18/4/2022).

Báo cáo số 1770/BC-UBDT ngày 18/12/2020 của Ủy ban Dân tộc cho thấy, giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,43%, đạt mục tiêu giảm bình quân từ 1 – 1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên địa bàn 56 huyện nghèo giảm còn 23,42% cuối năm 2020, bình quân giảm từ 5 - 6%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm từ 2 - 3%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3 - 4%/năm.

Trong Báo cáo đánh giá quốc gia Việt Nam năm 2016, Ngân hàng Thế giới (WorldBank) khẳng định, Việt Nam là một quốc gia hình mẫu về tăng trưởng cao, giảm nghèo nhanh và phát triển công bằng. Từ chỗ, là một trong những nước nghèo nhất cách đây mới chỉ một thế hệ, Việt Nam nổi lên thành quốc gia thu nhập trung bình với một nền kinh tế năng động.

Công tác “hậu kiểm” góp phần tăng tuổi thọ cho công trình hạ tầng Chương trình 135. (Trong ảnh: UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra việc duy tu, bảo dưỡng công trình 135 tại huyện Ngọc Lặc)
Công tác “hậu kiểm” góp phần tăng tuổi thọ cho công trình hạ tầng Chương trình 135. (Trong ảnh: Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa kiểm tra việc duy tu, bảo dưỡng công trình 135 tại huyện Ngọc Lặc)

“Quan trọng hơn, nền kinh tế phát triển nhanh góp phần cải thiện mạnh mẽ cuộc sống của người dân, thu nhập quốc dân tăng ngoạn mục và được chia sẻ đồng đều cho toàn bộ người dân với tỷ lệ bất bình đẳng chỉ tăng khiêm tốn trong suốt thời kỳ. Tỷ lệ nghèo khổ bần cùng giảm nhanh chóng từ 50% năm 1993 xuống dưới 3% hiện nay. Những chỉ số về phát triển con người và tiếp cận hạ tầng cơ bản được cải thiện đáng kể”, Báo cáo đánh giá quốc gia Việt Nam năm 2016 của WorldBank đã nhấn mạnh.

Sau hơn 20 năm triển khai, Chương trình 135 đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tính công khai, minh bạch của Chương trình đến từ việc chú trọng công tác tuyên truyền, vận động; là kinh nghiện được đúc rút để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Để thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS, cùng với việc nâng cao điều kiện sống hiện tại thì việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ, là rất quan trọng. Đây cũng là mục tiêu của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025.