Phát triển thị trường lao động bền vững
Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong đại dịch Covid - 19, thị trường lao động đã bị tác động nặng nề. Có thời điểm nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, có hơn 30 triệu lao động (tương đương 58,36% lực lượng lao động) bị ảnh hưởng tiêu cực như bị mất việc làm; phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên; giảm giờ làm, giảm thu nhập... Song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thị trường lao động cá nước đã dần phục hồi trong năm 2022.
Tại phiên thảo luận “Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 được tổ chức ngày 17/12/2022, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, so với năm 2021, trong năm 2022, lực lượng lao động tăng nhanh. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 9 tháng năm 2022 đạt 51,6 triệu người (tăng 1,2 triệu người); tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5% (tăng 0,9%).
Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động được cải thiện. Thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng (tăng 12,4%, tương ứng tăng 727.000 đồng). Ngoài ra, số lượng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35% (giảm 0,64%); tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng năm 2022 là 2,29% (giảm 0,77%); tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,75% và 2,63%)…
Theo ông Thanh, dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập và hạn chế. Chẳng hạn như, chất lượng cung lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Bên cạnh đó, thị trường lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động.
Để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và duy trì ổn định, phát triển thị trường lao động an toàn, bền vững và hội nhập, ngày 16/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 1170/CĐ-TTg về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ nhận định, hậu quả của đại dịch Covid - 19, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, sự suy giảm tăng trưởng, thu hẹp thị trường và dấu hiệu suy thoái kinh tế ở một số quốc gia, khu vực đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta. Điều này dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động, trong khi thị trường lao động chưa thực sự phát triển ổn định, bền vững trước những biến động cả bên trong và bên ngoài.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường lao động, kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập; từng bước tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ các nước, bảo đảm cho thị trường lao động vận hành an toàn, ổn định, đồng bộ, hiệu quả.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định các loại thị trường, tháo gỡ khó khăn, tập trung nguồn lực cho các động lực tăng trưởng như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh; có giải pháp cụ thể thúc đẩy tạo việc làm, bảo đảm thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Tiếp tục đẩy mạnh bảo đảm an sinh
Việc các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động là hết sức cần thiết. Bởi theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, nền kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều thử thách trong năm 2023 và những năm tiếp theo, dự báo thị trường lao động chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức.
Đặc biệt, về lâu dài, nếu không phát triển thị trường lao động một cách bền vững, thì sẽ tác động rất lớn đến lĩnh vực an sinh xã hội (ASXH). Những năm qua, hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam cơ bản đồng bộ, toàn diện, bảo đảm quyền ASXH của người dân; nhiều chính sách giảm nghèo bền vững thực hiện có hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, hiện cả nước mới có 16,5 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trong tổng số lực lượng lao động hơn 50 triệu người, tức chỉ mới chiếm 33%. Đây là một thách thức rất lớn trong việc bảo đảm ASXH, khi mà tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh hơn tốc độ bảo phủ BHXH.
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, năm 2021, Việt Nam đã có trên 8 triệu người hơn 65 tuổi, chiếm 8,3% dân số; dự kiến đến năm 2036 sẽ có khoảng 15,5 triệu người, chiếm 14,1%. Trong số người cao tuổi hiện mới chỉ có 4,3 triệu người đang được hưởng lương hưu (chiếm 38%); trong đó có 2,6 triệu người hưởng lương hưu từ BHXH và 1,7 triệu từ bảo trợ xã hội.
Chuyên gia André Gama đến từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh sẽ là áp lực lớn lên thế hệ lao động trung niên (40 - 50 tuổi). Thế hệ này vừa có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già ở độ tuổi từ 60 đến 79 tuổi, vừa nuôi con nhỏ và lo cho chính mình. Do gánh nhiều trọng trách, thế hệ 40 - 50 tuổi sẽ khó bảo đảm năng suất lao động, họ mất đi cơ hội thăng tiến, tích lũy, bảo đảm thu nhập lúc về già.
Lúc đó, vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục lặp lại với chính lao động: Lúc trẻ không có tích lũy, khi ở độ tuổi 60 - 79 lại nghèo khó, bệnh tật. Ðiều này sẽ khiến Việt Nam chịu áp lực lớn về chi phí y tế, ASXH.
Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), giai đoạn 2021 - 2030 là giai đoạn có tính bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng tăng trưởng sáng tạo và bảo đảm ASXH. Bởi vậy, chiến lược an sinh xã hội cần phải được xây dựng theo cách tiếp cận mới.
TS. Dũng cho rằng, chiến lược ASXH giai đoạn mới phải hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng bảo đảm an ASXH thông qua các chính sách ASXH đa tầng, toàn diện, có sự chia sẻ và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ ASXH để người dân dễ tiếp cận và hưởng lợi. Đồng thời phát triển và hoàn thiện hệ thống ASXH tiếp cận dựa trên cơ sở mở rộng đối tượng được bảo đảm ASXH; có lộ trình tiến tới bao phủ toàn dân, trước hết là trẻ em dưới 6 tuổi, người già từ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật, đồng bào DTTS và người dân có mức sống dưới chuẩn mức sống tối thiểu của quốc gia.
Để thực hiện chiến lược ASXH, ông Dũng kiến nghị,cần sớm hình thành chương trình tổng thể về ASXH. Chương trình này trên cơ sởtích hợp Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mụctiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động và các đề án trợ giúpxã hội hiện nay. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế về kỹ thuật, đào tạo cánbộ và tài chính,... để tăng thêm nguồn lực cùng Nhà nước bảo đảm an sinh xã hộicho người dân.
Chủ động chăm lo đời sống và an sinh xã hội cho người lao động
Trong Công điện số số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022, để bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống và an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐTB&XH chỉ đạo, phối hợp với các địa phương chủ động, thường xuyên nắm tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp; kịp thời tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng theo đúng quy định của pháp luật và các thỏa thuận, nội quy, quy chế của doanh nghiệp.
Bộ LĐTB&XH chủ động hướng dẫn các địa phương khuyến khích doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực, hiệu quả quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và khuyến khích người lao động đổi mới sáng tạo, cùng nhau khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. Chủ động có giải pháp cơ cấu lại lao động, phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra, đặc biệt trong dịp Tết.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo công đoàn các cấp xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành LĐTB&XH nắm tình hình lao động, việc làm, lương, thưởng, đời sống người lao động, việc đi lại của người lao động trong dịp Tết để có các phương án cơ cấu lại lực lượng lao động những nơi thừa, thiếu cục bộ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, nhất là đối với những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.