Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Dấu ấn bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực lao động-xã hội của Việt Nam: Thúc đẩy việc làm bền vững (Bài 1)

Tùng Nguyên - 09:45, 14/12/2022

Tháng 12 năm nay có một ngày đặc biệt: Ngày Nhân quyền Quốc tế (10/12) - là dịp để Liên Hợp Quốc và các quốc gia thành viên tôn vinh những giá trị cao cả cùng những thành tựu đạt được trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Việt Nam đã ghi dấu nhiều thành tựu ấn tượng trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, trong đó có lĩnh vực lao động - xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948 - 2022), cùng nhìn lại những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong lĩnh vực lao động – xã hội, với mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chương trình DWCP giai đoạn 2017 - 2021 đã khép lại với nhiều thành tựu quan trọng; đồng thời, mở ra giai đoạn mới (2022 - 2026) với những ưu tiên quốc gia mới.
Chương trình DWCP giai đoạn 2017 - 2021 đã khép lại với nhiều thành tựu quan trọng; đồng thời, mở ra giai đoạn mới (2022 - 2026) với những ưu tiên quốc gia mới.

Tạo việc làm thỏa đáng và bền vững cho người dân là ưu tiên của Việt Nam, góp phần bảo đảm quyền con người; đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và hướng đến một xã hội công bằng hơn. Những thành tựu trong nỗ lực thúc đẩy việc làm bền vững của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch

Tại Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào tháng 9/2015, một bộ tiêu chí gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs), đã được các nhà lãnh đạo trên thế giới thông qua. Trong đó, mục tiêu số 8 là: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, rộng mở và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người.

Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết đạt được mục tiêu phát triển bền vững, và việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người. Ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 về phát triển bền vững đến năm 2030, với 17 mục tiêu SDGs và 115 mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.

Trước đó, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách phát triển thị trường lao động, tạo việc làm thỏa đáng cho tất cả người dân. Quan điểm nhất quán là phát triển toàn diện, bao trùm và bền vững vì con người, lấy con người là trung tâm, không phân biệt giới tính, độ tuổi, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội.

Thị trường lao động – việc làm phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Thị trường lao động – việc làm phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Thành tựu về việc bảo đảm việc làm của nước ta thể hiện rõ nhất trong năm 2022. Sau gần hai năm bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid – 19, thị trường lao động – việc làm đã phục hồi mạnh mẽ.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong quý III/2022, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm 2021. Thu nhập bình quân của người lao động quý III/2022 là 6,6 triệu đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, tăng 12,4%, tương ứng tăng 727 nghìn đồng. So với cùng kỳ năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 tăng 11,8%, tương ứng tăng 693 nghìn đồng.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong quý III/2022, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ ở tất cả các ngành kinh tế, đời sống của người lao động được đảm bảo hơn. Thu nhập bình quân của người lao động tăng khá ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó, thu nhập của người lao động tăng mạnh nhất ở khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng tăng khoảng 901 nghìn đồng; tiếp đến lao động làm việc trong khu vực dịch vụ tăng 11,5%, tương ứng tăng 805 nghìn đồng. Lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 7,6%, tương ứng tăng 271 nghìn đồng.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Thực tế tại Việt Nam, việc làm thỏa đáng từ lâu, được xem là một phần của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã tham gia 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm 7 trong số 8 công ước cơ bản. Đây là mức độ cam kết cao, thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam khẳng định, công dân có quyền làm việc, được tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội làm việc là trách nhiệm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và của toàn xã hội.

 Điều 57, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế quý III, giai đoạn 2019 -2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế quý III, giai đoạn 2019 -2022. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Những nỗ lực và thành tựu trong việc bảo đảm việc làm thỏa đáng của Việt Nam cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong Báo cáo “Đánh giá Chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững (DWCP) tại Việt Nam giai đoạn 2017 – 2021” công bố tháng 9/2021, Tổ chức ILO khẳng định, sau 5 năm thực hiện DWCP lần thứ 3 (trước đó đã triển khai qua 2 giai đoạn: 2006 – 2010, 2012 - 2016), khung pháp lý và chính sách về việc làm tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, góp phần mở ra nhiều cơ hội việc làm, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp bền vững cho cả nam giới và phụ nữ, đặc biệt là cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Chương trình hợp tác quốc gia về việc làm bền vững (DWCP) giai đoạn 2017 - 2021 được ILO và các đối tác ba bên bao gồm Chính phủ Việt Nam, các tổ chức của người lao động và các tổ chức của người sử dụng lao động thống nhất thông qua và khởi động triển khai vào năm 2017. Đây là Chương trình hợp tác lần thứ 3 giữa ILO và Việt Nam về việc làm bền vững.

“Các hoạt động hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ di cư lao động trong nước, chuẩn bị sẵn sàng cho người lao động tham gia thị trường lao động, hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp bền vững nhằm tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu..., đã mở ra thêm nhiều triển vọng cho lao động nam và nữ được tự do lựa chọn việc làm, tiếp cận việc làm thoả đáng và hiệu quả. Các hoạt động này góp phần quan trọng, nhằm giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, báo cáo của Tổ chức ILO khẳng định.

Chương trình DWCP giai đoạn 2017 - 2021 đã khép lại với nhiều thành tựu quan trọng; đồng thời, mở ra giai đoạn mới (2022-2026) với những ưu tiên quốc gia mới, nhưng đều hướng đến mục tiêu bảo đảm việc làm thỏa đáng cho mọi người dân. Theo khẳng định của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Hội thảo chia sẻ thông tin về các Khung hợp tác phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và Chương trình nghị sự về DWCP được tổ chức ngày 9/8/2022, Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về Việc làm thoả đáng giai đoạn 2022 - 2026, không chỉ thúc đẩy việc làm, tạo việc làm mới mà còn hướng tới đảm bảo việc làm bền vững, việc làm có chất lượng (người lao động được làm việc trong điều kiện đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, được đóng BHXH, được tôn trọng nhân phẩm,...).

Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy việc làm bền vững, cũng đã được đại diện Bộ Lao động Hoa Kỳ đánh giá cao tại sự kiện “Đối thoại lao động Việt Nam – Hoa Kỳ” diễn ra ngày 16/11/2022. Đây là buổi đối thoại lần thứ 16 và đánh dấu việc đối thoại lao động thường niên giữa hai quốc gia, được nối lại sau khi tạm dừng từ năm 2017. 

Tại đối thoại này, phía Hoa Kỳ đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực chung của Việt Nam trong những năm vừa qua, đặc biệt trong các nội dung phía Hoa Kỳ quan tâm bao gồm việc gia nhập các công ước, vấn đề lao động trẻ em.

Cùng với thành tựu về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong lĩnh vực lao động, thì Việt Nam cũng được đánh giá cao trong nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội. Những thành tựu tăng dần qua từng năm trong đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về đảm bảo quyền con người trong lĩnh vực lao động – xã hội theo Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội được phê duyệt tại Quyết định số 145/QĐ-TTg ngày 20/01/2016.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dungnày trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.