Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thông tin đối ngoại

Hành trình của một thương hiệu quốc tế về giảm nghèo: Chương trình của “ý Đảng, lòng dân” (Bài 1)

Khánh Thi - 10:45, 24/10/2022

LTS: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa được phê duyệt tại Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg (Chương trình 135). Sau hơn 20 năm (1998 – 2020), qua 3 giai đoạn triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, huy động được nguồn lực tối đa và được đồng bào các DTTS hưởng ứng tích cực, Chương trình 135 đã trở thành một thương hiệu về giảm nghèo của Ủy ban Dân tộc nói riêng, của Việt Nam nói chung, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Nhìn lại những dấu ấn trong thành tựu chung của Chương trình, là việc cần thiết để có thêm kinh nghiệm thực hiện tốt hơn các chính sách dân tộc trong giai đoạn mới, mà trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Chương trình 135 góp phần làm thay đỏi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chương trình 135 góp phần làm thay đổii diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chương trình 135 lần đầu tiên được phê duyệt trong bối cảnh tình hình KT - XH của nước ta vô cùng khó khăn. Thực hiện nguyên tắc “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”, Đảng, Nhà nước ta đã quyết tâm ưu tiến bố trí nguồn lực để thực hiện một chương trình giảm nghèo dài hơi cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, được đồng bào các dân tộc ghi nhận.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 1998, tình hình KT - XH của nước ta chịu tác động nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ Thái Lan lan sang Hàn Quốc, Indonesia,... Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ở mức cao trong thời kỳ 1995 - 1997, thì đến năm 1998 chỉ tăng 5,76%, năm 1999 chỉ tăng 4,77%; lạm phát năm 1997 ở mức 3,6%, năm 1998 tăng lên mức 9,2%;...

Quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo không chỉ là ý chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương mà đã trở thành suy nghĩ của từng hộ nghèo. Nhờ đó, năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015).

Mặc dù gặp vô vàn khó khăn nhưng công tác giảm nghèo vẫn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, nhờ đó đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều người nghèo ở vùng khó khăn được hưởng thành quả của chương trình xoá đói giảm nghèo (XĐGN) đã thoát khỏi ngưỡng nghèo; hộ nghèo về lương thực thực phẩm có xu hướng giảm xuống. Tính chung toàn quốc, tỷ lệ hộ nghèo năm 1999 là 13,33%, giảm hơn so các năm trước (năm 1993: 19,99%; 1994: 17,81%; 1995: 16,5%; 1996: 15,7%; 1997-1998: 14,98%).

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tuy hộ đói nghèo giảm, nhưng tình trạng phân hoá giàu nghèo trong dân cư vẫn có xu hướng gia tăng cả ở khu vực thành thị, nông thôn. Đặc biệt, về thu nhập của người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có một khoảng cách rất xa so với các vùng khác trên cả nước.

Kết quả điều tra đời sống - kinh tế hộ gia đình năm 1999 ở 61 tỉnh/thành phố của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân cả nước lúc đó là 295 nghìn đồng/người/tháng. Vùng có thu nhập bình quân cao nhất là Đông Nam bộ, đạt 527,8 nghìn đồng/người/tháng. Các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống thì có thu nhập bình thấp hơn bình quân cả nước (Trung du miền núi phía Bắc là 210 nghìn đồng/người/tháng; Bắc Trung Bộ là 212,4 nghìn đồng/người/tháng; Duyên hải Nam Trung Bộ là 252,8 nghìn đồng/người/tháng;…).

Thực tế đó đã thôi thúc quyết tâm XĐGN, nâng cao thu nhập ở các địa bàn “lõi nghèo” của cả hệ thống chính trị. Dẫu nguồn lực còn hạn chế, lại phải ứng phó với khủng hoảng kinh tế nhưng trong năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 02 chương trình XĐGN có tính chất bao trùm. 

Ở góc độ cả nước, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia XĐGN giai đoạn 1998 - 2000 theo Quyết định số 133/1998/QĐ-TTg ngày 23/7/1998. Ở góc độ vùng là Chương trình phát triển KT - XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa tại Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg (Chương trình 135).

Chương trình 135 đã huy động được nguồn lực lớn từ Nhân dân. (Ảnh minh họa)
Chương trình 135 đã huy động được nguồn lực lớn từ Nhân dân. (Ảnh minh họa)

Từ đây, công cuộc XĐGN ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của nước ta, thực sự bứt phá. Một hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xuyên suốt là Chương trình 135, đã được ban hành, triển khai. Tính đến hết tháng 10/2020, toàn vùng có 118 chính sách đang có hiệu lực thi hành.

Tại buổi công bố Báo cáo “Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022 - Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp” tổ chức ngày 28/4/2022 tại Hà Nội, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khẳng định, Việt Nam đã đạt được những tiến triển chưa từng có về KT - XH trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ qua kể từ sau khi kết thúc chiến tranh. Tăng trưởng ở Việt Nam nhìn chung có tính chất bao trùm, do những cải thiện về phúc lợi đạt được trên toàn bộ phân bố kinh tế hộ gia đình. Sự thoát nghèo diễn ra đồng đều ở hầu hết các nhóm, và nhiều gia đình thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ.

Chương trình của lòng dân

Theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, Chương trình 135 giai đoạn I (1999 - 2005) được bắt đầu từ 1.000 xã nghèo nhất thuộc 91 huyện (trong đó có 43 huyện trọng điểm đặc biệt khó khăn) của 31 tỉnh (trong đó có 7 tỉnh trọng điểm đặc biệt khó khăn). Chương trình tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến 422.802 hộ/2.573.845 khẩu, đại đa số là đồng bào DTTS.

Trong giai đoạn này, Chương trình tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy phát triển KT – XH. Sau 7 năm triển khai thực hiện, tính đến năm 2005, Chương trình 135 đã xây dựng được 20.026 công trình hạ tầng, hoàn thành 300 trung tâm cụm xã đưa vào sử dụng, hoàn thành trên 50.000km đường các loại, 96% số xã có đường ôtô đến trung tâm xã.

Hợp phần hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135 giúp hàng triệu hộ đồng bào DTTS có sinh kế ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Hợp phần hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135 giúp hàng triệu hộ đồng bào DTTS có sinh kế ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Tiếp nối thành công của giai đoạn I, Chương trình 135 giai đoạn II được triển khai thực hiện từ năm 2006 – 2010; trọng tâm là hỗ trợ phát triển sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường, nâng cao mức sống của người dân ở địa bàn đặc biệt khó khăn.

 Trong giai đoạn này, Chương trình đã xây dựng 4.125 mô hình phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp; xây dựng trên 12.000 dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở… Chương trình được triển khai thực hiện trên 1.848 xã và 3.274 thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II.

Trong giai đoạn III (2011 – 2020), Chương trình 135 có sự thay đổi so với hai giai đoạn trước. Chương trình không chỉ đầu tư, hỗ trợ phát triển KT - XH mà còn tập trung vào giảm nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS; giảm chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng trong cả nước.

Sau hơn 20 năm triển khai, Chương trình 135 đã trở thành một thương hiệu về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đặc biệt, các nhà tài trợ ngân sách cho Chương trình (Ngân hàng Thế giới, Phần Lan, Irelan, AusAid, EC, UNDP...) đánh giá đây là chương trình giảm nghèo toàn diện nhất của Việt Nam, là mô hình học tập của các quốc gia nghèo.

Như chia sẻ của ông Matthew Wai-Poi, chuyên gia kinh tế chính thuộc Ban Nghèo và Bình đẳng của Ngân hàng Thế giới tại buổi công bố Báo cáo “Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022 - Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp” tổ chức ngày 28/4/2022, rằng: “Chương trình nghị sự về nghèo đói và bình đẳng không còn chỉ là nâng cao mức sống tối thiểu và giải quyết tình trạng nghèo kinh niên, mà còn là tạo ra hướng kinh tế mới và bền vững cho một nhóm dân cư có khát vọng cao hơn”.

Chương trình 135 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sóng vật chất và tình thần cho người dân ở địa bàn đặc biệt khó khăn.
Chương trình 135 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sóng vật chất và tình thần cho người dân ở địa bàn đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Chương trình 135 là chương trình thu hút được sự tham gia sâu rộng nhất của người dân trong quá trình lập kế hoạch, ra quyết định, thực hiện và giám sát. Năm 2008, số liệu điều ra của Kiểm toán Nhà nước tại 10 tỉnh, qua phát phiếu và phỏng vấn 2.083 người dân cho thấy, 98,13% người dân được biết có Chương trình 135 đầu tư cho xã; 86% người dân được hỏi ý kiến khi dự án được đầu tư; 94% người dân cho rằng công trình, dự án của Chương trình 135 được đầu tư là hợp lý; 95% người dân đánh giá công trình 135 đầu tư sử dụng đúng mục đích; 70% người dân được tham gia học tập về Chương trình; 97% người dân cho rằng nên kéo dài thời gian thực hiện Chương trình 135…

Hợp lòng dân nên ngoài ngân sách Nhà nước và tài trợ quốc tế, dù triển khai ở địa bàn đặc biệt khó khăn nhưng Chương trình 135 đã huy động được nguồn lực lớn từ Nhân dân. Giai đoạn 2011 - 2020, theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 của Ủy ban Dân tộc về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, đóng góp của người dân trong xây dựng các công trình hạ tầng Chương trình 135 đạt 799,896 tỷ đồng.

Trước đó, trong giai đoạn II, theo Báo cáo số 49/BC-CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ, bình quân mức đóng góp của dân chiếm từ 10 - 15 % tổng mức đầu tư các công trình, dự án. Điển hình là các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Cá biệt có công trình cộng đồng đóng góp trên 50% giá trị (một số công trình nhà sinh hoạt công đồng của Yên Bái). Người dân đóng góp chủ yếu bằng ngày công lao động, hiến đất xây dựng công trình, vật liệu khai thác tại chỗ,...

Chương trình 135 trở thành một thương hiệu về giảm nghèo, được Nhân dân ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá cao và được nhiều Chính phủ, tổ chức quốc tế đến tham quan, học tập là nhờ đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, ít thất thoát nhất, hiệu quả nhất. Đây là kinh nghiệm cần được đúc rút để thực thi chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021 - 2025.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Để thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS, cùng với việc nâng cao điều kiện sống hiện tại thì việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ, là rất quan trọng. Đây cũng là mục tiêu của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025.