Quyết tâm lớn
Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2013 - 2020, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thái Nguyên đã thay đổi rõ nét. Hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 19/63 xã, 75/94 xóm thực hiện và hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; 65/100 xã (bằng 65%) vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, cao gấp 3 lần bình quân chung của vùng đồng bào DTTS và miền núi cả nước.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) ở nhiều địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh hiện vẫn còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS chiếm hơn một nửa số hộ nghèo của tỉnh. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 được phê duyệt tại Quyết định số 4234/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 cho thấy, toàn tỉnh Thái Nguyên vẫn còn 7.295 hộ nghèo (chiếm 2,16%), trong đó hộ DTTS nghèo là 3.707 hộ.
Theo ông Lê Kim Phúc, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 14/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
“Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Thái Nguyên trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực trung du, miền núi phía Bắc; đến năm 2030 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thực hiện Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”, ông Phúc cho biết.
Để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, ngày 2/12/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-UBND, với 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 (gọi tắt là NQ 10), UBND tỉnh Thái Nguyên cũng xây dựng Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 15/6/2022 để thực hiện Chiến lược trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh giao Ban Dân tộc chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch, các chương trình, chính sách, đề án về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch, định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, hiệu quả việc thực hiện kế hoạch.
Mục tiêu cao
Cũng theo Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu bằng hoặc cao hơn các mục tiêu trong Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ. Chỉ tính mục tiêu đến năm 2025, trong lĩnh vực giáo dục, Thái Nguyên đặt mục tiêu huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đi học đạt 100% (NQ 10 là 98%); học sinh đi học đúng tuổi ở cấp tiểu học đạt 99% trở lên (NQ 10 là 97%), cấp trung học cơ sở đạt 98% trở lên (NQ 10 là 95%), cấp trung học phổ thông đạt 80% trở lên (NQ 10 là 60%)…
“Với quyết tâm cao, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người DTTS trên địa bàn bằng 60% bình quân chung cả nước, giảm tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm xuống dưới 8%, 100% xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới… Còn NQ 10 đặt mục tiêu thu nhập bình quân bằng ½ bình quân chung cả nước, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới”. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh trong giai đoạn tới”, ông Phúc cho biết.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời lồng ghép với các nguồn lực khác để đầu tư những công trình, dự án ưu tiên, cấp bách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Một trong những nhiệm vụ đang được Ban Dân tộc và các sở ngành, địa phương liên quan tích cực triển khai là rà soát, xác định địa bàn, đối tượng ưu tiên đầu tư, xây dựng cơ chế lồng ghép vốn các chương trình MTQG để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong tháng 8/2022, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành (gồm: Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp &PTNT; Công thương, Giao thông-Vận tải, Y tế) kiểm tra thực tế các công trình ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 – 2025 sử dụng nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đoàn kiểm tra liên ngành đã có buổi làm việc với các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa để lựa chọn các công trình cấp bách, ưu tiên với các địa bàn khó khăn hơn. Sau khi kiểm tra, Đoàn liên ngành đã thống nhất danh mục công trình ưu tiên đầu tư hỗ trợ giai đoạn 2021 – 2025 với tổng kinh phí là hơn 189, 1 tỷ đồng; trong đó năm 2022 là hơn 65,5 tỷ đồng trình UBND tỉnh quyết định giao kế hoạch cho các huyện để tổ chức triển khai thực hiện.
Phó trưởng Ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh, ông Lê Kim Phúc, khẳng định, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc để rà soát, thống nhất phân bổ vốn thực hiện Chương trình, dự kiến kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 để kịp thời tổ chức triển khai thực hiện ngay sau khi được giao vốn. Để nguồn vốn đạt hiệu quả, các địa phương cũng đang khẩn trương giao vốn thực hiện chương trình, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, ưu tiên bố trí vốn cho các nội dung có khả năng giải ngân nhanh, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất.