Ví, giặm là tiếng lòng, là hơi thở, là cốt cách của người Nghệ Tĩnh. Thế nên, chẳng có gì là lạ khi từ xa xưa, loại hình nghệ thuật dân gian này đã ăn sâu vào mỗi nếp nghĩ, sinh hoạt của cộng đồng người Nghệ An, Hà Tĩnh và làm nên những nét riêng biệt của người xứ Nghệ không thể lẫn vào đâu được.
Chẳng ai biết ví, giặm có từ khi nào. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, loại hình nghệ thuật dân gian ví, giặm ra đời từ cuộc sống lao động thường ngày của người Nghệ Tĩnh. Mới đầu, dân ca ví, giặm xứ Nghệ còn mộc mạc, giản dị nhưng theo thời gian đã phát triển lên một tầm cao mới với lề lối, bố cục chặt chẽ và hình thành nên những vần điệu dân ca trữ tình, hấp dẫn làm say đắm lòng người.
Nằm trong lộ trình quảng bá và phát triển dân ca ví, giặm, Nghệ An đã tổ chức, phối hợp tổ chức 4 kỳ Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cấp tỉnh và liên tỉnh vào các năm 2012, 2014, 2016 và 2018. Trước khi diễn ra Liên hoan cấp tỉnh, cấp liên tỉnh, đã diễn ra Liên hoan ở cấp cụm, với sự tham gia của các câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở các địa phương.
Điều thấy rõ nhất, mỗi kỳ Liên hoan chính là ngày hội lớn của nhân dân hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh, thu hút hàng chục câu lạc bộ và hàng trăm nghệ nhân, diễn viên tham gia sáng tác, diễn xướng. Bởi, thông qua liên hoan, chính là hoạt động quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị vốn có cũng như giá trị tiêu biểu của các thể hát và trò diễn xướng của loại hình nghệ thuật dân gian này. Không những thế, đó còn là dịp tạo cơ hội để các câu lạc bộ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; tiếp tục đẩy mạnh phong trào hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống hàng ngày.
Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thị Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An tâm sự: qua các kỳ liên hoan, tôi cảm nhận rõ ngọn lửa đam mê của thành viên các câu lạc bộ dân ca luôn bùng cháy và được truyền đến nhiều người khác khi thành viên của các câu lạc bộ háo hức, khán giả nhiệt tình…
Qua mỗi kỳ Liên hoan lại thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của các loại hình dân ca cổ Nghệ Tĩnh trong trái tim nhân dân và cả trong sinh hoạt thường nhật. Từ các kỳ liên hoan cũng đã xuất hiện nhiều gương mặt nhỏ tuổi tài năng, sở hữu chất giọng ngọt ngào, thể hiện nhuần nhuyễn các làn điệu ví, giặm như Hà Quỳnh Như (Yên Thành), Nguyễn Công Phước, Nguyễn Trà My, Lê Khánh Vy (thành phố Vinh), Lê Công Anh (Nam Đàn), Nguyễn Thị Thanh Xuân (Thanh Chương)…, trong đó, nhiều em đã trở thành những diễn viên, ca sĩ chuyên nghiệp.
Năm 2023 này, Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ V là một hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh – sự kiện lần đầu tiên được tổ chức ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Việc tổ chức Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh mục đích chính là nhằm giao lưu, tôn vinh di sản, sau đó là quảng bá hình ảnh của địa phương, xây dựng thương hiệu cho du lịch xứ Nghệ.
Ý tưởng tổ chức một Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được hình thành từ nhiều năm trước, sau khi dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bởi đó không chỉ là cơ hội, điều kiện để nâng tầm giá trị di sản phi vật thể mà còn là một trong những giải pháp bảo tồn và phát huy môi trường diễn xướng của ví, giặm theo tinh thần Công ước của UNESCO.
Thế nhưng, phải đến năm 2023, hướng tới kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (27/11/2014 – 27/11/2024), ý tưởng đó mới được cụ thể hóa thành Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2023, với rất nhiều hoạt động phong phú, sinh động, hấp dẫn như: Tổ chức Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cấp cụm (đồng thời tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh); Liên hoan cấp liên tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh lần thứ V có chủ đề “Đôi bờ ví, giặm” và tổ chức lưu diễn tại Nghệ An và Hà Tĩnh; Hội diễn đàn, hát dân ca 3 miền; Lễ hội đường phố với chủ đề “Sắc màu di sản”; Giải marathon “Về miền ví, giặm”…
Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thị Hồng Lựu cho rằng: Festival sẽ là dịp để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh hội tụ và tỏa sáng, để từ đó góp phần nâng cao giá trị di sản văn hóa phi vật thể; khẳng định sự phong phú, đa dạng của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống.
Trên con đường di sản, từ Bắc vào Nam, từ hát xoan, Quan họ Bắc Ninh đến dân ca Ví, giặm rồi Nhã nhạc cung đình Huế cùng với Không gian Cồng chiêng Tây Nguyên và Đờn ca tài tử sẽ là những điểm đến hấp dẫn của bao người. Và cũng chính trên con đường di sản ấy, tinh hoa của loại hình dân ca đặc biệt này sẽ được quảng bá, giới thiệu sâu rộng, đầy đủ hơn tới đông đảo công chúng, góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ giá trị của di sản trong đời sống đương đại.