Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Dân ca Mnông vẫn luôn được lưu truyền trong đời sống đương đại

Lê Hường - 09:23, 27/06/2023

Người Mnông ở tỉnh Đắk Nông có cả một kho tàng dân ca vô cùng phong phú được giữ gìn, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Trong đó, nhiều di sản đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian. Những năm qua, tỉnh Đắk Nông đang triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa này.

Hát khấn trong các nghi lễ truyền thống cũng là một trong những thể loại của dân ca MNông
Hát khấn trong các nghi lễ truyền thống cũng là một trong những thể loại của dân ca Mnông

Loại hình văn hóa đặc trưng của người Mnông

Dân tộc Mnông có khoảng 103.000 người, là một trong những dân tộc cư trú lâu đời ở vùng đất Tây Nguyên, tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk, Đắk Nông. Trải qua quá trình lịch sử lâu dời, người Mnông có nền văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc phong phú về loại hình, hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa xã hội, trong đó nổi bật là dân ca.

Dân ca Mnông hay còn gọi là Nau M’pring ở Đắk Nông, là hình thức diễn xướng dân gian, không có nhạc đệm với 2 hình thức độc diễn và hát đối đáp. Dân ca của người Mnông phong phú về thể loại như hát ru con, hát khấn thần trong các nghi lễ, hát đố, hát đồng dao, hát giao duyên… 

Nội dung của các bài dân ca phản ánh thiên nhiên, cuộc sống thường ngày, tình yêu con người, ca ngợi quê hương đất nước, những người bảo vệ bon làng, cầu khấn các vị thần linh cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu…. Mặc dù, không có nhạc đệm, nhưng dân ca Mnông đa dạng về thang âm và giữ được những nét đặc trưng riêng.

Nghệ nhân Y Glơi Bkrông hát dân ca phục để ngành văn hóa ghi âm làm tư liệu
Nghệ nhân Y Glơi Bkrông hát dân ca để ngành văn hóa ghi âm làm tư liệu

Nghệ nhân Nhân dân Y Glơi Bkrông, Bon U3, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút, là một trong những người am hiểu dân ca, thuộc nhiều bài dân ca Mnông của tỉnh Đắk Nông. Không chỉ thuộc nhiều bài dân ca, thường xuyên hát cho mọi người nghe, Nghệ nhân Y Glơi Bkrông còn góp công trong truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Y Glơi Bkrông kể: Từ nhỏ, mình đã được nghe bà ngoại hát dân ca và vô cùng yêu mến những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc. Lớn lên, mình được biểu diễn hát dân ca cho bà con trong bon nghe, hát giao duyên, đối đáp với các thanh niên trong bon. Các bài dân ca từ từ ngấm vào người, đến bây giờ mình vẫn còn thuộc rất nhiều bài và tham gia biểu diễn ở các chương trình của địa phương tổ chức.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 170 người biết hát dân ca Mnông, trong đó, có khoảng 20 nghệ nhân thường xuyên thực hành và truyền dạy dân ca Mnông.

Nhờ làm tốt công tác truyền dạy, nhiều nghệ nhân trẻ tuổi yêu thích dân ca Mnông
Nhờ làm tốt công tác truyền dạy, nhiều nghệ nhân trẻ tuổi yêu thích dân ca Mnông

Nỗ lực bảo tồn bằng nhiều cách

Để dân ca Mnông không bị mai một, ngành văn hóa tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này. Ngoài mở các lớp truyền dạy dân ca, thành lập các đội văn nghệ dân gian..., ngành văn hóa và các huyện, thành phố còn tổ chức sưu tầm, thu âm, quay phim, chụp hình, phỏng vấn già làng, nghệ nhân am hiểu về dân ca và các bài dân ca của người Mnông để lưu giữ. Đến nay, ngành văn hóa đã thu âm hơn 80 bài dân ca Mnông.

Thời gian qua, thị trấn Ea Tling đã tổ chức tuyên truyền, vận động bà con dân tộc ở 3 bon trên địa bàn thực hiện việc lưu giữ nét văn hóa dân ca của tộc mình. Mới đây, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút vừa tổ chức cho các nghệ nhân đến từ 3 bon trên địa bàn thị trấn hát dân ca để ghi hình, ghi âm phục vụ công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dân ca Mnông. Những bài dân ca Mnông nổi tiếng như Tết têu vêu, ru em, Nau Dring… được các nghệ nhân thể hiện theo từng giai điệu một cách mượt mà.

Nghệ nhân Y’ Si MôZa ở Bon U3 - một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất ở Bon U3, thị trấn Ea Tling cho biết: Được nghe thế hệ ông bà, cha mẹ hát và được học hỏi thêm từ các nghệ nhân, đến nay tôi thuộc rất nhiều bài dân ca. Trong đó, có nhiều bài đã ra đời từ buổi sơ khai của lịch sử hình thành và phát triển tộc người.

Đối với đồng bào Mnông, dân ca là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp khó khăn hay vui buồn. Nó như một lời ước vọng, khao khát về một ngày mai tươi sáng hơn nên tôi muốn được gìn giữ, phát huy.

Các nghệ nhân thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút trình diễn dân ca để ghi hình, ghi âm
Các nghệ nhân thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút trình diễn dân ca để ghi hình, ghi âm

Bà H’Oanh B’Krông - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Tling chia sẻ: Xác định bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS, trong đó là di sản văn hóa phi vật thể dân ca Mnông, là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, địa phương luôn quan tâm tổ chức các hoạt động nhằm lưu giữ, bảo tồn sẽ góp phần nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng.

Theo bà H’Oanh B’Krông, trên địa bàn thị trấn hiện chỉ còn khoảng 10 nghệ nhân biết hát dân ca Mnông, chủ yếu là những nghệ dân đã cao tuổi. Hàng năm, thị trấn tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ tạo sân chơi giao lưu cho các các nghệ nhân và tạo điều kiện đưa các đoàn nghệ nhân tham gia các cuộc thi, hội diễn do các cấp ngành tổ chức.

Dân ca Mnông là tài sản tinh thần vô giá của người Mnông, có sức sống mạnh mẽ trong đời sống đương đại. Dân ca được biểu diễn phổ biến trong các cuộc vui, lễ hội, liên hoan, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng và trên sân khấu. Điều đó, đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca Mnông.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.