Hiện nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 3,5 triệu phụ nữ, không ít đối tượng là người DTTS. Trên thực tế, các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm, nhất là các nguy cơ về xâm hại tình dục.
Theo một số liệu mới công bố gần đây của Quỹ Dân số của Liên Hợp quốc (UNFPA), ở Việt Nam cứ 10 phụ nữ khuyết tật, thì có 4 người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. Ðộ tuổi lần đầu bị các hành vi bạo lực tình dục trung bình trong khoảng 24 - 33 tuổi. Có những phụ nữ khuyết tật bị bạo lực tình dục lần đầu từ năm 9 tuổi, cao nhất là hơn 50 tuổi. Nhóm khuyết tật vận động, thần kinh/tâm thần và khuyết tật trí tuệ có tỷ lệ bị quấy rối, lạm dụng và bạo lực tình dục tương đối cao, chiếm hơn 35%.
Nạn nhân bị xâm hại tình dục là phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật thường rơi vào nhóm khiếm thính, khuyết tật trí tuệ. Thông thường, hậu quả với nạn nhân sẽ trở nên rất nặng nề và tạo tâm lý hoang mang, lo lắng về môi trường sống không an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật, ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng sống của họ.
Từ số liệu nêu trên cho thấy, thực tế vẫn còn nhiều phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực tình dục, nhưng không nhận thức được mình bị bạo lực tình dục và không dám lên tiếng. Do tâm lý mặc cảm, tự ti, một số người chỉ biết chia sẻ với người thân trong gia đình, không dám báo với các cơ quan chức năng liên quan.
Để xây dựng được không gian an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái khuyết tật, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bạo lực tình dục cho phụ nữ, trẻ em gái cũng như cán bộ cung cấp dịch vụ liên quan đến vấn đề này.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, lấp đầy các khoảng trống về pháp luật và chính sách liên quan đến bạo lực giới; Nhận diện đầy đủ, thống nhất những khái niệm liên quan đến bạo lực tình dục; Tăng cường các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới; triển khai dịch vụ hỗ trợ người gây bạo lực thay đổi nhận thức, thu hút nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực tình dục.