Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần sự quan tâm của toàn xã hội

PV - 17:17, 14/04/2018

Nhiều người khuyết tật (NKT) mong muốn tìm việc làm để chứng tỏ bản thân và giảm bớt sự lệ thuộc vào gia đình. Tuy nhiên, với những khó khăn, khiếm khuyết của bản thân, để giúp cho NKT hòa nhập cộng đồng tốt hơn rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Khó tìm việc

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Khánh Hòa, hiện nay toàn tỉnh hiện có 36.795 NKT, chiếm 3,11% dân số. Tỷ lệ NKT trong độ tuổi lao động là 55%. Hiện nay, số NKT có việc làm chỉ chiếm 27,1%. Đa số việc làm của NKT là do họ tự tạo ra, chủ yếu là: sửa chữa đồ điện tử, may mặc, sửa khóa, xoa bóp, làm đẹp, thủ công mỹ nghệ, bán vé số, phụ bán hàng… với mức thu nhập thấp khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Để người khuyết tật có điều kiện làm việc, các doanh nghiệp cũng phải “mở lòng” tiếp nhận. Để người khuyết tật có điều kiện làm việc, các doanh nghiệp cũng phải “mở lòng” tiếp nhận.

 

Cần việc làm để vươn lên trong cuộc sống, nhiều NKT đã tự đi học nghề và đi xin việc, với mong muốn có việc làm ổn định để lo cho bản thân và phụ giúp gia đình nhưng xem ra vẫn còn lắm khó khăn. Anh Nguyễn Quốc Lâm, xã Diên An, huyện Diên Khánh bị khuyết tật đôi chân từ khi lên 5 tuổi. Hơn 20 năm nay, cuộc sống của anh phải gắn chặt với chiếc xe lăn. Không muốn là gánh nặng của gia đình, anh đã xin học nghề tại một cơ sở mộc ở Diên Khánh. Sau 2 năm học nghề, anh đi tìm việc làm nhưng không nơi nào nhận.

Anh Lâm chia sẻ: Hiện nay, vấn đề tạo việc làm cho NKT quá khó khăn. Dù tôi đã đi đến nhiều nơi và các trung tâm giới thiệu việc làm để nhờ trợ giúp nhưng đến nay, vẫn không có đơn vị nào nhận vào làm. Tôi cảm thấy tủi thân vì nhiều người vẫn chưa tin tưởng vào khả năng làm việc của NKT.

Cũng bị khuyết tật đôi chân từ nhỏ, anh Võ Thanh Tòng, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm đi bán vé số, mỗi ngày kiếm được 50.000 đồng. Cuộc sống gia đình trở nên khó khăn sau khi anh lập gia đình và có 2 con, con trai đầu cũng bị khuyết tật. Nhiều lần anh đi xin việc làm khác nhưng không có nơi nào nhận.

“Giờ đây, tôi rất mong được các cấp, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ học nghề phù hợp và tạo việc làm, có thu nhập cho gia đình. Có như vậy, cuộc sống của chúng tôi mới ổn định…”, anh Tòng bộc bạch.

Tìm lời giải bài toán việc làm cho NKT.

Hiện nay, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội Khánh Hòa đang tập trung tìm các giải pháp khả thi để hỗ trợ đào tạo nghề và giải bài toán việc làm cho NKT.

Trước mắt, ngành chức năng sẽ xây dựng và nâng cao năng lực, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hỗ trợ việc làm cho NKT tại các trung tâm dịch vụ việc làm và công tác xã hội. Đội ngũ này sẽ tư vấn, hỗ trợ cho NKT tìm những nghề học, việc làm phù hợp, đồng thời là cầu nối với doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho NKT.

Bên cạnh đó, các trung tâm dịch vụ việc làm sẽ khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhất là nhu cầu sử dụng lao động là NKT, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch mở sàn giao dịch việc làm dành riêng để tư vấn, giới thiệu việc làm cho NKT; tổ chức dạy nghề lưu động tại các xã, liên kết đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, triển khai chính sách ưu đãi trong hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho NKT…

Trong thời gian tới, tùy theo mức độ khuyết tật của mỗi người, ngành sẽ tập trung hướng việc học nghề, giải quyết việc làm cho họ chủ yếu những nghề ít phải di chuyển, sử dụng nhiều sức lao động. Đó là những ngành, nghề như: may mặc, mộc, mỹ nghệ, dịch vụ xoa bóp ấn huyệt, công nghệ thông tin, sửa chữa đồ điện tử…

Ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Khánh Hòa cho rằng: Để tạo điều kiện cho NKT được học nghề, có việc làm cần sự quan tâm phối hợp có hiệu quả của các ngành chức năng và toàn xã hội. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để xóa bỏ rào cản, sự kỳ thị đối với NKT. Các huyện, thị xã, thành phố có chính sách tạo điều kiện để NKT tìm được việc làm tại chỗ. Bản thân NKT cần mạnh dạn, có ý chí vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.

Đặc biệt, là việc các doanh nghiệp cần thay đổi quan niệm trong tuyển dụng với NKT. Họ không chỉ là đối tượng cần ưu tiên, mà còn là những lao động đầy tiềm năng. Tuyển dụng NKT không phải là làm từ thiện, mà vì năng lực của họ đáp ứng được yêu cầu công việc, đồng thời cũng là tạo điều kiện cho họ hòa nhập tốt hơn. Tất cả đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các cấp, ngành, đơn vị liên quan và bản thân NKT để vấn đề việc làm ngày càng có những chuyển biến tích cực hơn.

“Qua khảo sát cho thấy, hiện nay, có tới 90,2% NKT trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động nhưng chưa được tư vấn việc làm, trên 78% chưa được học nghề phù hợp, 91% không được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ việc làm. Lý do NKT không tìm, tạo được việc làm là do thiếu vốn, phương tiện sản xuất, kỹ năng, chuyên môn, bị phân biệt kỳ thị, học vấn thấp…” ông Võ Bình Tân cho biết thêm.

LÊ PHƯƠNG

 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.