Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, những năm qua, Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em nghèo, trẻ em DTTS nói riêng. Tuy nhiên, công tác này còn gặp phải những vấn đề khó khăn, cấp thiết cần được quan tâm, giải quyết, đó là, tình trạng đuối nước, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vẫn đang còn xảy ra và diễn biến phức tạp…
Mới đây ngày 4/7, tại TP Thanh Hóa, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hóa, Tổ chức World Vision Việt Nam tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2019, với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”.
Tại Diễn đàn, có 64 đại biểu trẻ em tham dự đến từ các huyện vùng cao miền núi, vùng DTTS như Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Lang Chánh, Quan Sơn, Bá Thước, Yên Định, và TP Thanh Hóa. Các em đã lên tiếng, phản ánh những vấn đề nổi cộm phải đối mặt như, tình trạng bạo lực, bóc lột sức lao động, đuối nước trẻ em, tai nạn thương tích và vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Qua đó, các em đề đạt trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, đại diện các ban, sở, ngành chức năng trên địa bàn, mong muốn được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện, có thể phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần; được giáo dục kĩ năng sống; nhất là được tôn trọng ý kiến và tiếng nói, được tạo cơ hội để bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình liên quan đến các vấn đề về chính bản thân các em.
Các đại biểu nhỏ tuổi cũng đã gửi tới Diễn đàn các thông điệp như “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em DTTS, “Tất cả các trẻ em đều được đến trường học”, “Nói không với đuối nước”, “Hãy chung tay để không còn xâm hại tình dục trẻ em”, “Chấm dứt bạo lực khởi đầu yêu thương”, “Hãy cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất”…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền ghi nhận những ý kiến, nguyện vọng của các em và cam kết sẽ thực hiện mạnh mẽ nhất, trách nhiệm nhất vì quyền lợi chính đáng của các em.
Phó Chủ tịch UBND Phạm Đăng Quyền cũng yêu cầu, các ngành, địa phương cần lồng ghép Luật Trẻ em vào chương trình phát triển kinh tế của địa phương, có tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện; thực hiện đúng và đầy đủ các chính sách đã ban hành đối với trẻ em nghèo, trẻ em vùng DTTS; yêu cầu ngành LĐTB&XH chủ trì phối hợp với ngành GD&ĐT tạo đề xuất với Chính phủ, Bộ GD&ĐT sớm đưa chương trình dạy bơi vào chương trình giáo dục trong các nhà trường nhằm giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em.
QUỲNH CHI