Theo tìm hiểu, dổi là loại cây trồng có nguồn gốc tự nhiên, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Bắc. Là cây trồng truyền thống, quen thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với bà con người Mường, trong quá trình di cư vào vùng kinh tế mới lập nghiệp, bà con đã mang theo giống cây này trồng trên vùng đất cao nguyên Lâm Đồng.
Ông Hoàng Công Trọng, Trưởng thôn 7, xã Tân Lâm, huyện Di Linh cho biết: “Khi rời quê vào vùng đất mới, bà con chúng tôi thường mang theo một số loài cây trồng đặc trưng của đồng bào, có nguồn gốc từ rừng như: rau rừng, cây rừng để gieo trồng. Vừa để phục vụ đời sống ở vùng đất mới, cũng vừa để bà con nhớ về nguồn cội quê hương. Trong đó, đặc biệt là cây dổi để lấy quả, hạt vừa làm gia vị nấu ăn. Thường thì mỗi hộ chỉ trồng vài cây dổi xung quanh nhà để phục vụ nhu cầu của gia đình.
'Những năm gần đây, khi hạt dổi có giá trị kinh tế cao, bà con đã bắt đầu tập trung, nhân giống trồng xen cây dổi vào vườn, bên cạnh một số loài cây trồng như: sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, bơ... Vừa tăng thêm nguồn thu nhập, vừa làm đa dạng, phong phú các loài giống cây trồng tại địa phương", ông Trọng cho hay.
Là một trong những hộ đồng bào Mường đầu tiên trồng cây dổi ở vùng đất Di Linh, chị Bùi Thị Thơm (trú tại Thôn 7, xã Tân Lâm) chia sẻ: “Hồi đó, gia đình tôi mang cây giống nhiều lắm lên đến khoảng 800 cây giống. Anh chị em chúng tôi chia nhau mỗi nhà trồng một ít. Sau khi trồng vài năm do gặp gió to nên nhiều cây gãy đổ và gia đình chỉ còn lại 1 cây sống sót. Trong tất cả cây dổi ở khu vực này chỉ có duy nhất cây dổi nhà tôi cho trái nhiều”.
Theo chị Thơm, tùy giá cả thị trường, mỗi năm gia đình chị thu từ 70-100 triệu đồng từ cây dổi. Riêng năm 2019, giá thị trường dao động từ 1,7-2 triệu đồng/kg, có thời điểm giá cao nhất lên đến 3,3 triệu đồng/kg quả khô, cho nguồn thu khoảng 100 triệu đồng (tương đương từ 2 - 3 tấn cà phê nhân).
Chị Thơm cho biết thêm, gia đình chị chỉ có vài sào cà phê, nhưng giá cả cà phê trên thị trường không ổn định. Cây dổi trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình. Hiện nay, ngoài việc mở rộng diện tích trồng cây dổi cho vườn nhà, gia đình chị Thơm còn cung cấp quả giống cho người dân có nhu cầu, với giá bán 1 triệu đồng/kg.
'Vốn là cây rừng, sống tự nhiên, nên cây dổi sinh trưởng khỏe và phát triển tốt, ít mắc bệnh. Trong quá trình trồng hầu như bà con không tốn kém nhiều chi phí đầu tư và công chăm sóc cho cây. Chỉ cần bón ít phân vi sinh, kali theo từng thời điểm sinh trưởng của cây và tỉa cành sau thu hoạch. Cái lợi của hạt dổi là sau khi thu hoạch phơi khô để vài năm không bị hư, ẩm mốc, cũng giống như hạt hồ tiêu từ khi trồng đến 4 năm tuổi, cây bắt đầu bói quả", chị Thơm chia sẻ kinh nghiệm.
Đặc biệt, do điều kiện thời tiết thuận lợi, đất đai màu mỡ ở vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng nên rất phù hợp với cây dổi. Chính vì thế mà, thời điểm cây dổi ra hoa kết trái ở Lâm Đồng thường sớm hơn so với các tỉnh phía Bắc. Ở Lâm Đồng, bước vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, là cây dổi chuẩn bị ra hoa, đến khoảng tháng 6, tháng 7 thì cho thu hoạch; còn ở phía Bắc khoảng tháng 9, tháng 10 quả dổi mới chín và cho thu hoạch.
Với hiệu quả kinh tế cao từ trồng cây dổi, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt lại phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu ở Lâm Đồng, hiện nay không chỉ bà con đồng bào Mường ở thôn 7, xã Tân Lâm trồng cây dổi, mà cũng có nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Di Linh quan tâm tìm mua cây dổi giống về trồng xen canh. Thậm chí, trong kế hoạch phát triển trồng trọt, huyện Di Linh vừa qua, cũng đã quyết định chọn cây dổi, là một trong những giống cây trồng quan trọng. Những năm tới “Đề án trồng cây dổi trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm” sẽ được UBND huyện Di Linh nhân rộng phát triển.