Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nông dân Tà Hine làm nông nghiệp công nghệ cao

Đinh Hiển - 15:02, 24/11/2020

Những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đời sống của bà con đồng bào Chill (nhóm địa phương của dân tộc Cơ ho) và Chu ru ở xã vùng sâu Tà Hine, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã chuyển biến rõ rệt. Bà con đã có nguồn thu nhập khá ổn định, cái đói, cái nghèo đã lùi xa...

Bà Ma Vương Nai Huyền (đội nón), Phó Chủ tịch xã Tà Hine thăm mô hình rau sạch của đồng bào Chu ru.
Bà Ma Vương Nai Huyền (đội nón), Phó Chủ tịch xã Tà Hine thăm mô hình rau sạch của đồng bào Chu ru.

Đói, nghèo chỉ còn trong ký ức

Tà Hine là xã vùng sâu và là một phần thuộc vùng Loan (tên gọi chung 5 xã vùng sâu gồm: Tà Hine, Ninh Loan, Đà Loan, Tà Năng và Đa Quyn) của huyện Đức Trọng. Toàn xã có 5 thôn với hơn 1.000 hộ, 4.029 nhân khẩu. Nơi đây, đồng bào dân tộc Chu ru và người Chill chiếm hơn 82% dân số. Đồng bào  sinh sống chủ yếu dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp với các cây trồng: cà phê, lúa; các loại rau, củ, cây ăn quả…

Già làng Yang Jiong (dân tộc Chu ru), người được bà con tin yêu, luôn coi như “người thông thái” ở vùng này vẫn còn nhớ như in những tháng ngày khó khăn, vất vả trước thời kỳ đất nước chưa thống nhất (trước năm 1975). Khi ấy, đồng bào DTTS ở Tà Hine chỉ biết trồng lúa, trồng bắp, đời sống sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên cái  nghèo, cái đói vẫn luôn là nỗi ám ảnh thường trực của mọi người.

Những năm sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, trên mảnh đất Tà Hine, bà con tăng cường tập trung vào sản xuất lúa gạo. Tuy vậy, dù là địa phương có cánh đồng rộng nhất, nhì ở vùng Loan nhưng sản lượng lúa gạo vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân. Bà con người Chill, Chu ru ở Tà Hine phải hái, lượm quả thông, khai thác nhựa thông theo kế hoạch của địa phương để đổi lấy mì và tạo thêm thu nhập.

Đến tận những năm 1986, sau khi toàn Đảng, toàn dân bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống người dân Tà Hine mới cơ bản hết đói. Thời điểm này, ngoài lúa nước, lúa rẫy, bắp trên đất Tà Hine, đồng bào đã biết canh tác, trồng những loại cây có giá trị cao như cà phê, tiêu. Trong đó đặc biệt là cà phê - cây trồng chủ lực, là bước ngoặt thay đổi giúp người dân Tà Hine xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hộ đồng bào ở Tà Hine đã có của ăn, của để với nguồn thu nhập khá ổn định.

Bà Ma Vương Nai Huyền (dân tộc Chu ru), Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hine, cho biết: Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng của xã Tà Hine trên 2.800 ha. Trong đó phần lớn là diện tích sản xuất cây lâu năm (trên 1.500 ha) với hai loại cây trồng chủ lực gồm cà phê và tiêu. Tuy nhiên, cà phê vẫn là loại cây chiếm ưu thế. Những năm qua, mặc dù có những thời điểm giá cà phê tụt dốc làm người trồng cà phê lao đao, nhưng loại cây này vẫn bám rễ vững chắc trên vùng đất Tà Hine”.

Xã vùng sâu Tà Hine đang trên đà đổi mới phát triển.
Xã vùng sâu Tà Hine đang trên đà đổi mới phát triển.

Đột phá với nông nghiệp công nghệ cao

Phó Chủ tịch xã Tà Hine Ma Vương Nai Huyền thông tin thêm, phát triển nông nghiệp được xã Tà Hine xác định, là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên thời gian qua, khi giá cà phê bấp bênh đã phần nào làm ảnh hưởng tới thu nhập của người dân. Thêm vào đó, các loại cây trồng quen thuộc như lúa nước, đậu, bắp… năng suất không cao cũng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bà con. Thực tế đó, đặt Tà Hine vào việc cần phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi.

Những vườn rau củ quả, áp dụng công nghệ cao đã góp phần tăng thu nhập và ổn định kinh tế của bà con đồng bào DTTS ở Tà Hine.
Những vườn rau củ quả, áp dụng công nghệ cao đã góp phần tăng thu nhập và ổn định kinh tế của bà con đồng bào DTTS ở Tà Hine.

Đặc biệt là việc tập trung thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn lực đất đai, lao động của địa phương. Tà Hine hướng tới việc phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng các mô hình sản xuất rau, củ quả, hoa thương phẩm, có liên kết với các đơn vị tiêu thụ để bảo đảm sự ổn định thu nhập cho người dân.

Theo đó, địa phương đã chuyển đổi diện tích trồng lúa một vụ, trồng bắp, cà phê già cỗi sang trồng rau, củ, quả và liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hiệu quả, bền vững. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường các lớp tập huấn để trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho bà con, địa phương còn tận dụng và phát huy tối đa các nguồn vốn vay hỗ trợ cho nông dân.

Theo số liệu thống kê, hiện nay ở Tà Hine đã phát triển hơn 325 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với gần 5ha nhà kính, trên 18 ha nhà lưới. Trong đó trên 300 ha có hệ thống tưới phun tự động. Giá trị sản xuất bình quân trên 135 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,89% . Riêng tỷ lệ hộ nghèo người đồng bào DTTS giảm còn 2,38%.

Đồng thời, các chương trình, đề án hỗ trợ và chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cũng được, chính quyền xã quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Cụ thể, đối với lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn xã đã hình thành các mô hình nuôi gà ta thả vườn, nuôi bò thịt cao sản, bò lai Sind... với tổng kinh phí hỗ trợ trên 500 triệu đồng. Trong đó, vốn đối ứng của người dân là 201 triệu đồng. Còn đối với lĩnh vực trồng trọt, Tà Hine đã có 154 hộ được hỗ trợ giống cây trồng để sản xuất trên 50ha, với tổng số tiền trên 650 triệu đồng. Trong đó người dân đối ứng trên 200 triệu đồng.

Các mô hình đang phát triển hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập và ổn định kinh tế của người dân Tà Hine một thời gian khó.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.