Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phương hướng phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững cho vùng DTTS và miền núi

Khánh Thư - 16:42, 21/12/2020

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020. Chương trình xác định sẽ khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng DTTS và miền núi; Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, gắn sản xuất với chế biến, kết nối với thị trường, tạo chuỗi sản phẩm, gia tăng giá trị nhằm giúp đồng bào các DTTS giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu...

Bà con dân tộc Bố Y , xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, Hà Giang phát triển diện tích trồng cây dược liệu
Bà con dân tộc Bố Y , xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, Hà Giang phát triển diện tích trồng cây dược liệu

Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có 15 đề án, chính sách trực tiếp; lũy kế đến nay còn 118 văn bản, trong đó có 54 đề án, chính sách còn hiệu lực, trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tuy vậy, thực trạng kinh tế và đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước. Nhất là trong sản xuất, lao động người DTTS chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp. Công nghiệp chủ yếu là chế biến nông, lâm sản; khai thác, chế biến khoáng sản; thủy điện… Vì thế, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 xác định tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp nhằm giảm nghèo bền vững cho bà con.

Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại; tiếp tục hình thành và phát triển vùng chuyên canh tập trung với quy mô hợp lý, chú trọng phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị như: cây chè, cây cà phê, cây điều, cây hồ tiêu, cây ăn quả, dược liệu, hương liệu, hoa, rau màu...; phát triển chăn nuôi đại gia súc (như bò sữa, bò thịt, trâu), tiểu gia súc, gia cầm (như lợn, gà...); tạo sản phẩm đặc sản, độc đáo thay thế cho sản phẩm cao sản, đại trà để nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư mạnh cho phát triển kinh tế lâm nghiệp, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng. Vùng đồng bào DTTS và miền núi phải góp phần quan trọng nhất để thúc đẩy Việt Nam trở thành một trong các trung tâm chế biến gỗ lớn của khu vực và thế giới.

Giai đoạn tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cho vùng DTTS và miền núi
Giai đoạn tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông cho vùng DTTS và miền núi


Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu

Những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ tính riêng Chương trình 135, Chính phủ đã đầu tư 21.090 công trình cơ sở hạ tầng ở các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Nhờ đó, hiện vùng DTTS và miền núi đã có 98,4 % xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS trên địa bản giảm nhanh theo từng giai đoạn (trung bình giảm khoảng 3,5 đến 4%/năm).

Tuy nhiên, nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn vẫn còn rất lớn. Hiện vẫn còn 187 xã chưa có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm; mới có hơn 80% thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa đi đến trung tâm xã, số còn lại chủ yếu là đường đất, đường tạm, đi lại bằng xe máy, xe đạp; diện tích đất canh tác được tưới tiêu của các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi mới chỉ đạt khoảng 23,4%...

Vì thế, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, sẽ tập trung đầu tư để 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại thuận tiện bốn mùa; nhựa hóa, bê tông hóa hơn 2.600km đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống của Nhân dân; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở 1.400 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và 8.000 thôn đặc biệt khó khăn ở các xã khu vực II. Phấn đấu đến năm 2030, có trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 gồm 10 Dự án thành phần. Định hướng mục tiêu đến năm 2030 là, tăng thu nhập bình quân của người DTTS lên tối thiểu bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn…

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.