Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đội văn nghệ chùa Xiêm Cán

Phương Nghi - 12:06, 27/07/2020

Ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có nhiều đội văn nghệ được ban quản trị chùa thành lập và đi vào hoạt động nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa vốn có của người Khmer, đồng thời phục vụ người dân địa phương và du khách gần xa đến thưởng ngoạn cảnh chùa. Điển hình như tại chùa Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu (Bạc Liêu) có một Đội Văn nghệ đã làm đắm say du khách bởi những điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer mượt mà, uyển chuyển.

Nhiều du khách thích thú khi thưởng thức những điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer mượt mà, uyển chuyển do Đội Văn hóa - Văn nghệ Khmer chùa Xiêm Cán biểu diễn
Nhiều du khách thích thú khi thưởng thức những điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer mượt mà, uyển chuyển do Đội Văn hóa - Văn nghệ Khmer chùa Xiêm Cán biểu diễn

Du khách đến chùa Xiêm Cán không chỉ được thưởng ngoạn một công trình kiến trúc tuyệt đẹp của người Khmer mà còn được thưởng thức những điệu múa của đồng bào Khmer mượt mà, uyển chuyển, do các thiếu nữ xinh đẹp của Đội Văn hóa - Văn nghệ Khmer chùa Xiêm Cán (Đội Văn nghệ) biểu diễn. Nhiều du khách đã không giấu được vẻ ngỡ ngàng và không ngớt lời khen trước điệu múa Apsara, Rom vong, Sarawan, trống sa săm, múa gáo mang đậm bản sắc dân tộc Khmer.

Được biết, Đội Văn nghệ được Ban Quản trị chùa thành lập và đi vào hoạt động đã 4 năm nay với 11 thành viên. Dưới sự quản lý và giảng dạy tận tình của chị Thạch Thị Tha Ry (34 tuổi), Đội trưởng Đội Văn nghệ đã mang đến cho Đội Văn nghệ luồng gió mới. Những tiết mục múa do chị dàn dựng khá công phu và đẹp mắt, tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng người. Các thành viên trong Đội Văn nghệ là những thiếu nữ Khmer xinh xắn, tuy nghề nghiệp, công việc khác nhau, nhưng đều có chung niềm đam mê cháy bỏng dành cho nghệ thuật dân tộc.

Sau những giờ lao động mệt nhọc, những lúc rảnh rỗi, các thành viên của Đội Văn nghệ lại tập hợp ở chùa để luyện tập và trải lòng mình qua từng điệu múa, lời ca. Bên cạnh đó, các thành viên còn tích cực học hỏi, sáng tạo để mang đến nhiều “màu sắc” mới cho điệu múa Khmer, tạo nên sự hòa quyện tuyệt vời giữa nghệ thuật Khmer truyền thống và đương đại.

 Chị Thạch Thị Tha Ry, Đội trưởng Đội Văn nghệ cho biết: “Tôi đam mê và gắn bó với nghệ thuật dân tộc từ bé đến giờ, nên muốn truyền “ngọn lửa” đam mê ấy cho các bạn trẻ, để các em có cơ hội phát huy năng khiếu và kế thừa, gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Kể từ khi Đội Văn nghệ thành lập, bà con Khmer quanh khu vực chùa có nơi để sinh hoạt và vui chơi. Qua đó, đã phát hiện không ít những người có năng khiếu ca múa để bổ sung vào lực lượng văn nghệ của chùa và địa phương”. 

Theo Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán đánh giá, từ khi có Đội Văn nghệ, người dân địa phương và du khách đến chùa ngày càng nhiều hơn. Đó là tín hiệu đáng mừng, vì nghệ thuật Khmer vẫn còn nguyên sức sống mãnh liệt…

Còn ông Vũ Đức Thọ, Trưởng Phòng Quản lý du lịch tỉnh Bạc Liêu cho rằng: “Chùa Xiêm Cán là một trong những điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh, nên hoạt động của Đội Văn nghệ cần có sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn của các ngành chức năng để có thể phát huy hết khả năng. Riêng về phía Đội Văn nghệ, trong hoạt động biểu diễn cần chú trọng đến hình thức và nội dung sao cho phù hợp với từng đối tượng du khách và phải lên kế hoạch, lịch trình cụ thể. Bên cạnh đó, phải có người dẫn chương trình am hiểu nghệ thuật Khmer để giới thiệu sơ lược cho du khách về lịch sử hình thành, tên gọi, chất liệu của các loại nhạc cụ dân tộc, các điệu múa của đồng bào Khmer... nhằm tạo nên sự hấp dẫn hơn nữa đối với du khách”.            

                                            

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.