Dù kê là tổng hòa các loại hình nghệ thuật, như: Ca, múa, âm nhạc, vũ thuật, phục trang, hóa trang, hội họa và ẩm thực... mang đặc trưng riêng của đồng bào Khmer. Giống như cải lương, dù kê cũng được diễn xuất ở các rạp lớn.
Một số địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang thường có các rạp, sân khấu lớn với hình ảnh, đạo cụ, màu sắc trang trí trong rạp thu hút sự chú ý của người xem. Với nội dung từ các truyền thuyết, truyện dân gian của đồng bào Khmer mang những giá trị giáo dục sâu sắc, những vở diễn dù kê và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả.
Tuy đã có nhiều hoạt động thiết thực để bảo tồn nghệ thuật dù kê và từng bước gắn với phát triển du lịch tại địa phương, dù không bị đối xử “lạnh lùng” nhưng với sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung và văn hoá nói riêng, sân khấu dù kê hiện nay đang bị mai một rất nhiều. Nguyên nhân khách quan là do thiếu một lớp diễn viên trẻ tài năng trong khi diễn viên gạo cuội lùi dần khi không còn nhiều đoàn dù kê như thời kỳ “hoàng kim”.
Hơn nữa, nội dung vở diễn dù kê không đổi mới, và nó chỉ sống tốt được trong môi trường văn hoá đặc trưng của người Khmer chứ không thể “bê” đi những không gian khác một cách tuỳ tiện.
Làm sao để vực dậy nền sân khấu dù kê là một bài toán khó, tuy nhiên không có nghĩa không thể giải. Theo các chuyên gia văn hoá nghệ thuật dân gian, có hai hình thức bảo tồn là bảo tồn động và bảo tồn tĩnh.
Bảo tồn động tức là phải “nuôi” môn nghệ thuật ấy trong cộng đồng. Một trong những giải pháp thiết thực, đó là gắn với phát triển du lịch một cách cẩn trọng. Không phải cứ cho trình diễn với tần xuất liên tục đã là đúng đắn mà nên gắn nó trong một chuỗi du lịch văn hoá được xây dựng từ việc tham quan phum sóc, các ngôi chùa của người Khmer, phong tục, tập quán cho đến ẩm thực, âm nhạc để làm phong phú trải nghiệm của du khách.
Ngoài ra, cũng phải chú trọng đến bảo tồn tĩnh, đó là phải “làm đầy, làm dầy” những tài liệu về lịch sử phát triển, hiện vật để có những công trình nghiên cứu trọn vẹn. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với nghệ sĩ dù kê; đầu tư thỏa đáng cho các đoàn để họ còn có đất để diễn và duy trì niềm đam mê của mình.
Ngoài ra, trong thời đại công nghệ 4.0 như ngày nay, thật thiếu sót nếu chúng ta không đầu tư vào truyền thông cho môn nghệ thuật này. Một sản phẩm dù hay và đẹp đến mức độ nào cũng không thể đến được với du khách nếu không được quảng bá.
Theo tìm hiểu của người viết, trên các trang mạng xã hội như Facebook, từ khoá dù kê chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở những bài viết chứ chưa được truyền thông một cách bài bản. Trên kênh Youtube, các Video về dù kê hầu như là tại các cuộc thi và các nghệ sĩ trình diễn trên truyền hình.
Tại sao chúng ta không tạo ra các hội nhóm, các trang cộng đồng, các kênh quảng bá, khiến dù kê mang hơi thở cuộc sống hơn? Bởi vì, để môn nghệ thuật dù kê có đất sống, không thể chỉ dựa vào những liên hoan sân khấu hay vài công trình nghiên cứu đơn lẻ. Nó phải được nhìn nhận đa chiều, gìn giữ và phát triển trên mọi khía cạnh của đời sống.