“Chuyện tình Lan và Điệp” là vở cải lương đã in đậm dấu ấn trong lòng công chúng từ sự sáng tạo, làm mới. Năm 2019, Nhà hát Bến Thành đã có một thử nghiệm với 2 suất chiếu, chứng minh được loại hình nghệ thuật này có sức hấp dẫn cả khán giả trẻ.
Sáng tạo ở đây khiến không chỉ khán giả, mà còn giới chuyên môn bất ngờ, bởi trong từng trích đoạn, ca cảnh còn có sự xuất hiện nhiều ca sĩ nổi tiếng. Họ hóa thân thành nhân vật và ca những bài ca vọng cổ, những bài hát nổi tiếng.
Trong nỗ lực làm mới mình, “Chuyện tình Khau Vai” cũng đã rất ghi điểm với khán giả khi sáng tạo âm nhạc, có sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cải lương với những giai điệu dân gian miền núi Tây Bắc, đã tái hiện không gian văn hóa đặc trưng của các dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Đây cũng là lần đầu một vở cải lương có sự kết hợp chất giọng của nghệ sĩ cả hai miền.
Thế nhưng, không có nghĩa cứ thay đổi cho khác với hôm qua là làm mới cải lương. Bởi làm mới như thế nào và đến đâu thì phù hợp lại là vấn đề khác và câu trả lời không hề đơn giản. Các sáng tạo này vẫn trong “giới hạn” với yêu cầu phải giữ cho được “chất cải lương”; nghĩa là nội dung đề tài phải gần gũi, với chất tâm lý xã hội nhưng bằng những hình thức thể hiện mới, sáng tạo và phù hợp.
Không chỉ nhiều sân khấu sáng đèn, cải lương đang có một chuyển mình đáng ghi nhận với những cách làm mới, thích ứng và theo kịp thời đại. Một số chương trình gần đây đã được nhà sản xuất xây dựng những fanpage riêng để giới thiệu và cập nhật thông tin, diễn biến hoạt động cho từng vở. Các fanpage này cũng giúp tạo sự tương tác hiệu quả với khán giả, giúp cải lương đến gần khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ.