Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bài Chòi vang mãi cùng mùa Xuân

Thành Nhân - 14:47, 03/02/2020

Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam (các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) ra đời từ dân gian, nói tiếng nói của dân gian, được người dân phát triển, trở thành một loại hình nghệ thuật tổng hợp kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa, văn học; được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nghệ thuật Bài Chòi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Nghệ thuật Bài Chòi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo

Bài Chòi có hai hình thức chính là “Chơi Bài Chòi” và “Trình diễn Bài Chòi”. Chơi Bài Chòi
liên quan trò chơi thẻ bài trong chòi tre vào Tết Nguyên đán, nhưng không liên quan tệ nạn bài bạc. 

Hội chơi Bài Chòi thường diễn ra ở sân đình làng hoặc những khoảng đất rộng, bằng phẳng. Người ta dựng 9 hoặc 11 chòi bằng tre, nứa, lợp tranh như những chòi canh giữ rẫy, xếp theo hình chữ U. Chòi ở đáy chữ U gọi là chòi Cái. Người dẫn dắt cuộc chơi là các “anh/chị hiệu” ngồi ở chòi Cái. Họ rút con bài trong ống bài, giơ lên rồi hát những câu hát đố tên con bài ấy, gọi là Hô Thai. Người chơi mua 3 con bài, ngồi trên các chòi để đợi. Nếu cả 3 con bài trùng với những con bài mà “anh/chị hiệu” xướng tên thì thắng cuộc, được lĩnh thưởng, kết thúc một lượt chơi. Nhạc cụ đệm trong Bài Chòi thường gồm: đàn nhị, song loan, kèn bóp và trống chiến.

Nguồn gốc, thời gian xuất hiện Bài Chòi, theo nhà âm nhạc học người Pháp G.L.Bouvier, người đến Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20 để nghiên cứu về các thể loại âm nhạc dân gian, “bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến, tức sau những năm 1470”. Một số nhà nghiên cứu khác thì cho rằng, Đào Duy Từ (1572 - 1634), người Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Bình Định, đã dựa theo mô hình tiêu khiển ở các chòi canh nương rẫy mà sáng lập ra Hội Bài Chòi.

Thời đó, Bài Chòi được chơi vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Từ sáng mùng Một Tết, khi nghe tiếng trống khai trường, thì những người dân trong làng lại nô nức kéo nhau tới sân bài chòi để dự hội. Hội được kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Ngọc, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: Tùy theo năm đó là năm gì, và Hội Bài Chòi được tổ chức ở làng nào, làng đó có đặc điểm gì thì hiệu sáng tạo, ứng diễn những câu Bài Chòi cho phù hợp. 

Người chơi trên chòi trúng thưởng nhận một ly rượu (hoặc một chén nước trà, nếu là phụ nữ). Trẻ em chỉ thưởng tiền và cờ. Người trúng thưởng nhận cây cờ thưởng cắm vào ống thẻ trên chòi và nhận tiền thưởng. Người nhận tiền thưởng trích một ít tiền lẻ thưởng lại cho hiệu gọi là “lì xì” năm mới. Đây cũng được xem là một nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân, chúc nhau một năm gặp nhiều may mắn.

Các anh - chị hiệu diễn xướng hô Bài Chòi, quản trò dẫn dắt hội chơi
Các anh - chị hiệu diễn xướng hô Bài Chòi, quản trò dẫn dắt hội chơi

Gìn giữ và phát huy

Là loại hình nghệ thuật của miền Trung, nhưng do tính độc đáo, đa dạng hơn nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Bình Định là “cái nôi” của Bài Chòi. Và cho đến nay, địa phương này cũng là nơi làm tốt nhất việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật Bài Chòi. Năm 2010, để tránh nguy cơ thất truyền, Bình Định còn triển khai phục dựng Hội đánh Bài Chòi cổ; nhờ đó, Bài Chòi Bình Định thực sự hồi sinh.

Hiện tỉnh Bình Định có 62 câu lạc bộ nghệ thuật Bài Chòi do các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đã thành lập với trên 100 nghệ nhân. Đó là nguồn nhân lực để Bài Chòi tiếp tục được nuôi dưỡng, âm vang và lưu giữ. 

Thành thông lệ, mỗi khi Tết đến Xuân về, trên khắp các làng quê Bình Định, Bài Chòi trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Mở đầu là những đêm phục vụ Bài Chòi mùa Xuân do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thông TP. Quy Nhơn tổ chức, tiếp đó là cấp xã, phường như: Nhơn Hải, Nhơn Châu... Cùng với đó, Hội thi Diễn xướng Bài Chòi dân gian TP. Quy Nhơn cũng có nhiều đầu tư, phát triển. Ðó là những điểm hẹn của mùa vui Bài Chòi!

Trong dịp Tết Kỷ Hợi, hội đánh Bài Chòi cổ dân gian ở xã Nhơn Hải diễn từ mùng 1 cho đến mùng 3 Tết, thu hút đông đảo người dân tham gia và năm nay hội tiếp tục được tổ chức để phục vụ Nhân dân. 

Bên cạnh Hội Bài Chòi truyền thống, hằng năm TP. Quy Nhơn còn tổ chức Hội thi Diễn xướng Bài Chòi dân gian. Trải qua 8 mùa Xuân, Hội thi ngày càng được đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Điều đáng mừng ở các Hội thi là lực lượng tham gia ngày càng trẻ hóa. Các em nhỏ góp vui một cách rôm rả. Có thể xem đây là trái ngọt của đợt tập huấn Bài Chòi dân gian cho học sinh các Trường THCS TP. Quy Nhơn năm 2018. Tre chưa già nhưng măng đã mọc - đây được xem là một tín hiệu vui để Bài Chòi mãi trường tồn cùng mùa Xuân của đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.