Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đề án đầu tư vùng chuyên canh cây quế Trà Bồng (Quảng Ngãi): Vừa “khai sinh” đã “khai tử”

Lê Phương - 14:45, 05/06/2020

Được xem là “thủ phủ” của cây quế, hơn 5 năm trước, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã xin chủ trương đầu tư vùng chuyên canh quế tập trung. Nhưng khi được UBND tỉnh thông qua, huyện lại xin dừng Đề án.

Đề án vùng chuyên canh cây quế đột ngột bị “khai tử” khiến người dân thất vọng
Đề án vùng chuyên canh cây quế đột ngột bị “khai tử” khiến người dân thất vọng

Năm 2015, huyện Trà Bồng đã xây dựng Đề án quy hoạch vùng chuyên canh cây quế tại các xã: Trà Sơn, Trà Lâm, Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Bùi, Trà Tân, Trà Giang với 324 hộ dân và 4 nhóm cộng đồng dân cư tham gia. Theo Đề án, đến năm 2020, diện tích cây quế trong vùng chuyên canh sẽ là 500ha; trong đó 450ha trồng tập trung và 50ha trồng xen kẽ. Đồng thời, tiến hành khảo sát, lập hồ sơ chỉ dẫn địa lý cây quế, đăng ký nhãn hiệu...

Vùng chuyên canh không chỉ nhằm mục đích quản lý, bảo tồn nguồn gen quý mà còn giải quyết việc làm, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập cho người dân trong vùng dự án, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao độ che phủ rừng. Theo tính toán, mỗi năm vùng chuyên canh quế của huyện sẽ cung cấp ra thị trường 1.350 tấn vỏ quế, phục vụ cho nhu cầu chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chưng cất tinh dầu quế.

Tháng 8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt dự án đầu tư, phát triển vùng chuyên canh cây quế huyện Trà Bồng, với tổng vốn đầu tư hơn 54 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2018 - 2020, triển khai trồng trên địa bàn 5 xã: Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Thủy, Trà Tân và Trà Bùi. Người dân địa phương kỳ vọng đây sẽ là “cú huých” cho cây quế, khi có sự đồng hành của Nhà nước. Bởi cây quế dù gắn bó bao đời với vùng đất này, nhưng hiệu quả kinh tế thấp do chưa có định hướng, chủ trương mang tính bền vững. 

Anh Hồ Văn Ba, ở xã Trà Lãnh chia sẻ, nhà anh trồng quế cũng đã mấy chục năm rồi, được hơn 1ha. Nhưng lâu nay chỉ trồng theo kiểu tự phát, không đầu tư chăm sóc, cây chậm lớn, đầu ra cũng không ổn định, phụ thuộc vào thương lái nên năm được, năm mất. 

Tuy nhiên, cuối năm 2019, huyện Trà Bồng có tờ trình gửi UBND tỉnh xin dừng thực hiện Đề án. Điều này khiến hàng trăm hộ dân nằm trong kế hoạch trồng quế tập trung bất ngờ.

 “Nghe Nhà nước quy hoạch vùng trồng quế chuyên canh, sẽ được đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật lại bao tiêu sản phẩm với giá cao nên mình và bà con vui lắm!. Nhưng nay huyện lại thông báo dừng dự án, không triển khai nữa. Vậy là bà con mình lại phải tự túc, mặc cho tư thương ép giá, không biết bao giờ mới hết khổ”, anh Ba thất vọng nói. 

Theo lý giải của lãnh đạo UBND huyện Trà Bồng, việc dừng Đề án là do qua kiểm tra lại quỹ đất thực địa, thì nhiều người dân không đồng ý tham gia. Đa phần quỹ đất được lựa chọn là đất rẫy đang trồng keo, trong khi giá keo đang ở mức cao, nên người dân không đồng ý bỏ keo chuyển sang trồng quế. Một số nơi người dân đồng ý tham gia, song nhiều hộ có đất nằm xen kẽ lại không đồng ý, trong khi Đề án là phải tạo thành vùng chuyên canh quy mô lớn. Quỹ đất không còn đúng mục tiêu ban đầu, bởi vùng chuyên canh thì phải liên vùng. Do không hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, nên huyện xin dừng thực hiện Đề án.

Như vậy, một Đề án có ý nghĩa thiết thực nhưng đã sớm bị “khai tử” là do cách làm của huyện Trà Bồng chưa phù hợp. Bởi lẽ, khi chưa xác định được chủ thể của dự án là quỹ đất, nhưng huyện đã lập tờ trình, xin vốn và các vấn đề liên quan. Đến khi được đồng ý cho thực hiện, thì xin dừng. Điều này gây mất lòng tin của người dân trong việc quy hoạch các dự án nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái: Đồng hành cùng người dân vượt qua hậu quả bão lũ

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái: Đồng hành cùng người dân vượt qua hậu quả bão lũ

Yên Bái là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) với những đợt mưa to, lũ lớn diễn ra từ ngày 07 - 11/9 vừa qua. Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai, để sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.