Trước đây, gia đình chị Đặng Thị Nga là hộ nghèo của thôn Cây Thị, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Đầu năm 2020, gia đình chị được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Sơn cho vay vốn 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư mua 02 con trâu sinh sản và chăm sóc 2ha rừng keo của gia đình. Cuối năm 2023, rừng keo của gia đình chị được khai thác.
Từ bán gỗ rừng trồng và bán 02 trâu nghé, gia đình chị thu về 160 triệu đồng. Nhờ đó gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Không dừng lại ở đó, đến tháng 3/2024, chị Nga mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo, để trồng 2ha rừng và làm dịch vụ vận tải. Hiện tại, gia đình chị Nga đang chăn nuôi 3 con trâu và trồng, chăm sóc 10ha rừng keo, đồng thời duy trì 01 xe ô tô để kinh doanh dịch vụ vận tải. Đến nay, gia đình chị Nga đã xây được nhà ở khang trang, từng bước vươn lên trở thành hộ khá của địa phương.
Hay như gia đình chị Mùa Thị Dê, người Mông, thôn Làng Un có gần 3 ha cam V2 được trồng trên đồi thấp khá hiệu quả. Năm 2023, thu vụ đầu tiên đã được gần 100 triệu đồng. Chị Dê, cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay 100 triệu đồng của NHCSXH huyện Yên Sơn mua cây giống đầu tư ban đầu nên gia đình chị mới có đồi cam V2 này. Nguồn vốn thật sự cần thiết đối với những người bắt đầu làm kinh tế như mình. Nếu không có vốn ưu đãi người dân mình đi vay ngoài thì vất vả lắm! Vay vốn chính sách của Nhà nước vừa an toàn, vừa lãi ưu đãi, người dân mới yên tâm phát triển kinh tế. Người dân chúng tôi mong muốn có thêm nhiều nguốn vốn ưu đãi, để phát triển kinh tế hiệu quả”. Vườn cam của chị Dê đang phát triển tốt, hứa hẹn mùa cam 2024 sẽ thu khoảng 200 triệu đồng.
Ông Ma Ngọc Trân, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, cho biết: Kiến Thiết là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn với trên 80% đồng bào DTTS. Những năm qua, nhờ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, vốn tín dụng chính sách, sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền đã giúp người dân từng bước vươn lên, giảm nghèo hiệu quả.
Hằng năm, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, bản rà soát hộ nghèo, cận nghèo và nắm bắt nhu cầu của từng hộ, để xây dựng kế hoạch, giải pháp hỗ trợ cụ thể. Ông Ma Ngọc Trân, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết, cho biết, để đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình, dự án và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đúng mục đích, các tổ chức, đoàn thể có trách nhiệm giám sát, hướng dẫn bà con, hội viên phát triển kinh tế và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi giúp bà con có kiến thức, kỹ năng, để lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp. Chính quyền xã tạo điều kiện, hỗ trợ để người lao động của địa phương tìm kiếm việc làm ổn định... Nhờ đó, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 44,9%.
“Các chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống đã mở ra cơ hội cho hộ nghèo có vốn sản xuất, có việc làm ổn định, để tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống và từng bước thoát nghèo bền vững”, ông Ma Ngọc Trân, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết, cho biết thêm.
Bà Ngô Thị Thúy Xuyến, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Sơn, cho biết: Hiện nay, NHCSXH huyện và các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 453 tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả 335 thôn, bản; tổ chức giao dịch tại 28/28 điểm giao dịch ở các xã, thị trấn. Từ nguồn vốn vay, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Thông qua vốn tín dụng chính sách, từ năm 2015 đến nay đã giúp cho gần 19.800 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; 150 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; gần 2.400 lao động được tạo việc làm mới, 20 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trên 10.300 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; xây dựng, sửa chữa được gần 720 căn nhà cho hộ nghèo...
Ông Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, cho biết, thời gian qua, huyện Yên Sơn đã tập trung chỉ đạo thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững. Theo đó, hạ tầng phục vụ đời sống của Nhân dân được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; cơ cấu kinh tế phát triển theo đúng định hướng; du lịch, thương mại, dịch vụ phát triển; đời sống Nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2022-2025 giảm bình quân 3-4%/năm, cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 là 20,17% với 8.186 hộ thì đến cuối năm 2023 huyện còn 6.127 hộ (chiếm 15,04%), giảm 2.059 hộ, giảm 5,13%; mục tiêu năm 2024 huyện có kế hoạch giảm 1.501 hộ nghèo, tỷ lệ giảm xuống còn 11,31%.
"Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,8%/năm. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện giao chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo chi tiết đến từng xã, thị trấn, rà soát nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ, để những hộ nghèo thoát nghèo bền vững, như: Vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ vật nuôi, máy nông cụ, tập huấn về kỹ thuật, phương thức sản xuất... nhằm tạo sinh kế tốt nhất cho Nhân dân vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, huy động các nguồn lực, nguồn vốn, để đầu tư hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa thiết yếu... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống", ông Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, cho biết thêm.
Phát huy kết quả đạt được, huyện Yên Sơn phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều sẽ giảm bình quân 3,7%/năm. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở; triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện tốt nhất, để người dân tăng gia sản xuất phát triển kinh tế; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn, buôn khó khăn; thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo…