Tại xã Thái Bình, thông qua nguồn vốn vay ủy thác từ Phòng Giao dịch (PGD) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Yên Sơn, góp phần làm thay đổi đời sống của người dân nông thôn trên địa bàn huyện. Các hội đoàn thể: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên đã phối hợp tốt trong việc đưa nguồn vốn vay ủy thác đến với hội viên và người dân triển khai, xây dựng các dự án, mô hình sản xuất giúp hội viên tiếp cận vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi nghề hiệu quả... Từ nguồn vốn ủy thác đã tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập và hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo đúng lộ trình. Đến nay, nguồn vốn này đạt tổng dư nợ gần 19,5 tỷ đồng, với 427 hộ đang còn dư nợ.
Chị Nguyễn Thị Duyên, thôn 7, xã Thái Bình chia sẻ: Trước đây chị chưa có việc làm ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, sau khi được vay nguồn vốn 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn, gia đình đã sửa sang lại quán và kinh doanh thêm bỉm sữa, từ đó đã giúp cho chị có được công ăn việc làm tại nhà, có thêm nguồn thu nhập phục vụ cho gia đình.
Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và công tác nhận ủy thác của PGD Ngân hàng CSXH huyện, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay; đẩy mạnh cuộc vận động “Vì người nghèo”, tích cực vận động để huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn vốn để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác điều tra, xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách, bảo đảm cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Kịp thời nắm chắc thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương mình để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn; phối hợp tốt với Ngân hàng CSXH và các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.
Ông Dương Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Quan, huyện Yên Sơn chia sẻ: Việc tạo điều kiện cho người dân vay vốn là một nội dung rất cần thiết trong kế hoạch giảm nghèo của xã, cơ bản các hộ đều có nhu cầu thực hiện vay vốn trong công tác giảm nghèo, ngoài ra còn các hộ khác và các hộ vừa mới vượt nghèo cũng thực hiện vay vốn từ ngân hàng CSXH, đây là một nguồn rất là quan trọng để cho các hộ chủ động trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hóp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội và để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, huyện Yên Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các xã, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ về tín dụng chính sách xã hội. Từ đó chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, triển khai thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách với nhiều mục tiêu khác nhau.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; phương thức sản xuất của hộ nghèo, đồng bào DTTS chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung.
Thông qua vốn tín dụng chính sách, từ năm 2015 đến nay đã giúp cho gần 19.800 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; trên 150 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; gần 2.400 lao động được tạo việc làm mới, 20 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trên 10.300 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; xây dựng, sửa chữa được gần 720 căn nhà cho hộ nghèo...; góp phần vào thành tích chung của huyện, cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 48 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 15,04% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, có 14 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 03 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 01 đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Bà Ngô Thị Thúy Xuyến, Phó Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn, Tuyên Quang cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Sau 10 năm hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Có thể nói tín dụng chính sách đã dần trở thành một trụ cột chính, quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dụng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những trụ cột tích cực, quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống, góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn huyện./.