Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Xin thầy đừng rời Huôi Máy

Phạm Việt Thắng - 08:59, 20/05/2022

Tôi nói không ngoa rằng, để đến được điểm Trường tiểu học Huôi Máy (xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Nghệ An), phải vượt qua chín suối, mười đèo. Nói thật, có những khoảnh khắc tôi đã muốn dừng lại, nhưng câu chuyện 19 năm cắm bản và lời hứa với dân của thầy giáo Lô Văn Thanh lại giục giã bước chân…

Điểm trường Huôi Máy
Điểm trường Huôi Máy

19 năm và còn lâu hơn nữa

Mặt trời đứng bóng, chúng tôi mới đến được điểm trường có thể nói, là khó khăn nhất tỉnh Nghệ An - điểm trường Huôi Máy. Huôi Máy được hiểu nôm na là vùng đất nghèo. Mà nghèo thật. 38 hộ dân ở đây đều là người Khơ Mú, thiếu đất sản xuất, không đường, không điện, không sóng điện thoại… thiếu đủ thứ trên đời.

Có khách, thầy Lô Văn É nhanh chóng vào bếp đỏ lửa, còn thầy Thanh thì vội vã đi hái rau, để ít nhất cũng có bữa trưa “tươm tất” đãi chúng tôi. Nhễ nhại mồ hôi bên bếp lửa, thầy É kể về những gian nan, vất vả khi được điều về điểm trường này. Trong câu chuyện của thầy É, lúc nào cũng kết thúc: “Thầy Thanh mới là người kiên cường, còn tôi chỉ mới vào đây được 2 năm”.

Biết chúng tôi nóng lòng gặp “nhân vật chính”, nên thầy É đã đảm nhận việc nấu ăn để thầy Thanh có thời gian “tiếp khách”. Thầy Thanh có giọng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm rất truyền cảm.

Thầy kể, năm 2003, thầy được nhận về trường Tiểu học Cắm Muộn 2 và được điều động vào điểm trường Huôi Máy. Một năm sau thầy lại được điều về điểm trường khác của bản bên. Lại một năm sau, thầy được điều trở lại Huôi Máy. Thầy không tìm hiểu lí do, nhưng sau này nghe bà con nói lại là họ đề xuất với nhà trường để thầy trở lại với Huôi Máy.

“Ngày đầu vào điểm trường này, đúng là muôn phần gian nan. Riêng khoản đi bộ những 4 tiếng đồng hồ cũng đã đủ làm người ta nhụt chí. Lớp học thì xập xệ chực sập, còn nhà công vụ thì gió lùa quanh năm, nhất là về mùa Đông, đêm lạnh buốt xương” - thầy Thanh nhớ lại những ngày đầu gian khó.

Nét mặt thầy Thanh như bừng sáng, thầy nói tiếp: Nhưng vẫn chưa là gì so với các em học sinh, quần áo rách rưới tả tơi, chân trần đến lớp…Mình bỏ các em sao đành.

Im lặng một lúc, thầy kể, có những em bố mẹ đi rẫy, phải nhịn đói mấy ngày liền, thế mà vẫn đến lớp. Tôi nhớ mãi hai anh em Vi Văn Thanh, con ông Vi Văn Cư, đang học thì bị ngất xỉu. Hỏi ra mới biết, đã hai ngày các em chưa có gì vào bụng. Thế là phải tạm cho lớp làm bài tập để thầy đi thổi cơm cho hai đứa. Vợ tôi còn ngạc nhiên hơn khi tôi nhờ cô ấy mua nhiều kim chỉ để mang vào điểm trường. “Quần áo các em rách tả tơi thế kia, thầy phải khâu vá giúp chúng nó thôi” - thầy Thanh trầm giọng.

Đó là chưa kể, thời gian đầu phải sưng hết cả chân cẳng để vận động các em đến lớp. Không gặp được bố mẹ các em ở nhà thì phải đi vào rẫy, vừa tặng quà, vừa thủ thỉ để phụ huynh đồng ý cho con đi học.

Thầy Thanh đang ôn tập cho học sinh, vẫn cứ phải lớp ghép
Thầy Thanh đang ôn tập cho học sinh, vẫn cứ phải lớp ghép

“Làm sao tôi rời đi được”

Tôi nói với thầy Thanh về chế độ chuyển trường cho những giáo viên ở vùng khó khăn nhiều năm. Thầy cười, nụ cười thật hiền từ: Tôi biết điều đó, và tôi cũng đã nhiều lần được chuyển về gần nhà. Nhưng mỗi lần như thế, bà con lại đến gặp, đề nghị thầy đừng rời Huôi Máy.

Thầy Thanh nói trong xúc động: “Bà con quý mình như thế, học trò quý mình như thế, làm sao tôi rời đi được”. Mỗi lần như vậy, tôi lại hứa với bà con, sẽ ở lại, thế mà đã 19 năm tôi giữ được lời hứa của mình.

Tranh thủ lúc hai thầy dọn cơm, tôi lững thững vào bản, xem đời sống người dân ở đây. Đúng như các thầy nói, bữa cơm trưa của bà con đa phần là rau. Anh Ngân Văn Hoa, bố của cháu Ngân Thị Thông, bỏ hẳn cả bữa cơm để nói về thầy Thanh: “Chúng tôi thì bận đi rẫy, việc học của cháu coi như giao hẳn cho thầy. Ở đây, không chỉ học sinh mà người dân, ai cũng quý thầy. Ai chuyển trường cũng được nhưng thầy Thanhh thì không được chuyển, dân bản không để thầy rời Huôi Máy đâu”.

Rồi ông Ốc Văn Thuận, từ nhà bên cạnh cũng nói vọi sang: “Thầy Thanh với bà con ở đây là bạn bè, gần gũi nhau từ mấy chục năm nay rồi, không ai cho thầy đi đâu”.

“Bữa cơm thường trong bản nhỏ” cũng khá tươm tất, có thịt gà và cả vài li rượu trắng mà chúng tôi đã mua ở trung tâm, vì biết các thầy không thể mua bán gì trong này. Tôi lâng lâng nói với thầy Thanh về tình cảm của bà con đối với các thầy.

Lại nụ cười hiền từ, thầy nói: “Có một số em đã được học hết THPT, còn phần lớn đã xong chương trình THCS, trong đó có nhiều em đi làm công nhân, học chuyên nghiệp. Mỗi dịp về quê, chúng nó lại kéo nhau đến gặp thầy, ríu ra ríu rít kể cho thầy nghe đủ thứ chuyện. Từ chuyện học hành, làm ăn đến yêu đương…Lúc đó tôi không còn thấy bất kỳ khó khăn gì ở đây mà chỉ thấy ngập tràn hạnh phúc. Vì thế mà tôi tự hứa với mình, đang còn sức khoẻ là đang gắn bó với Huôi Máy”.

Cũng trong lúc cao hứng, tôi hỏi các thầy về phụ cấp cho giáo viên cắm bản. Rất thành thật, thầy Thanh cho biết, mấy năm trước, thấy anh em khó khăn, Công đoàn nhà trường đã hỗ trợ cho mỗi người 20.000 đồng/tháng, nhưng hai năm nay do dịch bệnh, khó khăn chung nên khoản này cũng không có nữa.

“Không sao cả, anh em chúng tôi vừa tăng gia trồng rau, thỉnh thoảng lại xuống suối đánh cá để cải thiện bữa ăn” - lúc này thầy Thanh mới cất tiếng cười rõ to, chúng tôi cũng cười theo vang động cả điểm trường.

Chiều buông, chúng tôi phải gấp rút rời Huôi Máy, bởi như lời bà con, nếu gặp mưa thì nội bất xuất ngoại bất nhập, Huôi Máy sẽ trở thành ốc đảo.

 Chiều chiều, thầy Thanh và thầy É lại xuống suối đánh cá cải thiện bữa ăn
Chiều chiều, thầy Thanh và thầy É lại xuống suối đánh cá cải thiện bữa ăn

Chia tay chúng tôi, thầy Thanh chỉ có một nguyện vọng cho học trò: Học sinh ở đây còn rất yếu, chúng tôi muốn kèm cặp thêm cho các em vào buổi tối, nhưng điện không có, giá như được tài trợ một hệ thống năng lượng mặt trời, thì chắc chắn các em sẽ tiến bộ vượt bậc. Tôi hứa với thầy sẽ sớm trở lại Huôi Máy để đáp ứng nguyện vọng, và cũng để phần nào tri ân tình cảm của thầy đối với Huôi Máy nghèo khó nhưng ân tình!

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.