Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những cô giáo cắm bản ở Phiêng Chầu 2

Thúy Hồng - 17:25, 20/11/2021

Điểm trường Phiêng Chầu 2, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), hiện ra trước mắt chúng tôi là một dãy nhà cấp 4 và một dãy nhà công vụ thưng ván gỗ, nằm quần tụ giữa lưng chừng núi. Ở nơi xa xôi, heo hút, khí hậu lạnh lẽo này, hàng ngày luôn có hơi ấm của các cô giáo “cắm bản” miệt mài ươm mầm con chữ cho các em học sinh DTTS...

Một giờ học của các em học sinh ở điểm trường Phiêng Chầu 2
Một giờ học của các em học sinh ở điểm trường Phiêng Chầu 2

Miệt mài gieo chữ

Chúng tôi đến thăm điểm trường Phiêng Chầu 2, vào buổi chiều đầu Đông se lạnh. Cơn mưa rừng xối xả và những màn sương giăng mắc, khiến cho đường đến điểm trường càng trở nên mờ mịt. Từ thị trấn Bảo Lạc, đến điểm trường chính khoảng 40km, sau đó phải vượt một quãng đường rừng nhấp nhô sỏi đá 4km nữa mới đến được điểm trường Phiêng Chầu 2. 

Điểm trường hôm nay chỉ còn duy nhất có 1 lớp đang học bài. Lớp vẻn vẹn 12 em học sinh, nhưng không vì thế mà làm không khí lớp học đơn điệu. Những khuôn mặt đáng yêu, ánh mắt hồn nhiên, trong trẻo của các em đều rất chăm chú, hướng về cô giáo nghe từng lời giảng. 

Trò chuyện với chúng tôi, cô Nông Thị Hè, giáo viên phụ trách điểm trường và cũng là một trong những giáo viên có thâm niên lâu năm ở đây cho biết: Cả điểm trường có 4 lớp học, với 44 em, học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Dao. Có nhiều em nhà ở xa điểm trường, đi học rất vất vả, nhưng các em vẫn rất chịu khó đi học đều. Chỉ có hôm mưa to không qua được suối, các em mới nghỉ.

Điểm trường Phiêng Chầu 2, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc
Điểm trường Phiêng Chầu 2, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc

“Có nhiều em học sinh đi học rất xa, có em phải dậy từ 4 giờ sáng đi bộ khoảng 8km đường rừng để đến lớp. Nhìn các em đến trường vất vả, các cô chỉ muốn làm nhiều điều hơn nữa để các em đỡ thiệt thòi. Bởi hạnh phúc giản dị của học sinh vùng DTTS là cơm ăn đủ no, áo mặc đủ ấm, ngày ngày vui bước đến trường học tập” cô Hè chia sẻ.

Công việc của các cô nơi đây vừa phải trực tiếp đứng lớp, vừa phải tự tay nấu nướng, chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ của các em học sinh. Sau những giờ giảng bài, các cô lại chia nhau nấu bữa cơm trưa bán trú cho các em học sinh.

Em Hoàng Mùi Phảy, dân tộc Dao, học sinh lớp 3 bẽn lẽn: "Nhà em cách trường một quả đồi, buổi sáng phải dậy sớm cùng chị đi bộ đến trường rất vất vả. Nhưng đến trường được học chữ, được gặp thầy cô và các bạn em rất vui".

Chỉ lo các em bỏ học

Để có được những kết quả này, là cả quá trình các thầy cô miệt mài cắm bản, vận động đồng bào cho con em đến lớp.

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên chuẩn bị nấu bữa cơm chiều
Cô giáo Nguyễn Thị Duyên chuẩn bị nấu bữa cơm chiều

Thầy Bế Quốc Cường, giáo viên của điểm trường nhớ lại, những năm 2016 - 2017, theo chủ trương của ngành Giáo dục, các lớp 4, lớp 5 học sinh không đủ sĩ số phải dồn lớp xuống các điểm trường chính. Do đường sá xa xôi, hiểm trở; đặc thù học sinh là con em đồng bào DTTS, kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế, nên nhiều học sinh đã bỏ học.

Để vận động học sinh trở lại trường, các thầy cô phải leo rừng, lội suối đến tận nhà vận động từng phụ huynh để vận động cho con em đến lớp. Từ điểm trường đến bản xa nhất là 8 - 10km, đường rừng lại vòng vèo khó đi, không cẩn thận đi xe rất dễ bị trượt ngã, tai nạn.

Thầy Cường kể, sau giờ tan học, khi học sinh ra về, điểm trường sẽ rất vắng lặng. Cả điểm trường chỉ có 4 phòng công vụ chật hẹp, nên được ưu tiên cho 4 cô, còn  thầy phải ra ở nhờ nhà dân cách đó khoảng 4km. Gọi là nhà công vụ, nhưng đó là những căn phòng chật hẹp, do bà con hỗ trợ dựng tạm bằng ván, diện tích chưa đầy 4m2, nhưng được kê đủ một chiếc giường nhỏ, bàn soạn bài và cả bếp nấu nướng. Xung quanh căn phòng các cô phải quây bạt để tránh gió lùa và cái rét cắt da, cắt thịt trên vùng rẻo cao này.

"Các thầy cô giáo nơi đây hầu hết đều có nhiều năm công tác tại vùng cao, đều đi cơ sở, nên việc khó khăn vất vả đó không cản trở tâm huyết, trách nhiệm của người thầy. Chúng tôi chỉ có một nỗi lo chung là học sinh bỏ lớp, bỏ trường...", thầy Bế Quốc Cường bộc bạch.

Nhắc đến các thầy cô cắm bản nơi đây, chị Đặng Mùi Tràn, có con học lớp 3 ở xóm Bản Ỏ phấn khởi: Nhờ công nuôi dạy của các cô giáo đã giúp con em chúng tôi biết đọc, biết viết, lại còn cho các cháu quần áo để mặc, chăn ấm để nằm. Chúng tôi biết ơn các thầy, cô nhiều lắm.

Căn phòng chưa đầy 4m2 được dựng tạm bằng ván, được các cô quây bằng bạt, rido chỉ kê đủ một chiếc giường nhỏ, bàn soạn bài và cả bếp nấu nướng
Căn phòng chưa đầy 4m2 được dựng tạm bằng ván, được các cô quây bằng bạt, rido chỉ kê đủ một chiếc giường nhỏ, bàn soạn bài và cả bếp nấu nướng

Gác lại niềm riêng

Cô giáo Nguyễn Thị Duyên, có 26 năm công tác trong nghề, thì 15 năm gắn bó với các xã vùng cao của Bảo Lạc. Cô giáo Duyên đã từng trải qua nhiều gian truân, khi làm giáo viên cắm bản, riêng điểm bản Phiêng Chầu 2 này cũng đã là năm thứ 3. Cô Duyên chia sẻ: Ở điểm trường này đỡ nhiều rồi, có điểm trường xa hơn còn thiếu thốn đủ thứ; không có đường, không có điện, không có nước. “Khổ mãi quen rồi nên cũng thấy bình thường thôi”, cô Duyên cười nói.

Dãy nhà công vụ của các cô giáo cắm bản
Dãy nhà công vụ của các cô giáo cắm bản

Gần 30 năm đứng trên bục giảng, làm bạn với “phấn trắng, bảng đen”, núi rừng mờ sương và trùng điệp cũng là chừng ấy thời gian cô Duyên luôn gắn bó, miệt mài “gieo chữ” nơi rẻo cao này.

Cô Nông Thị Hè cũng đang dành tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho giáo dục vùng khó, cô nói, cô chưa bao giờ hối hận về lựa chọn của mình. Quyết định là giáo viên “cắm bản” đồng nghĩa với việc chấp nhận thiệt thòi, hy sinh cả tuổi thanh xuân. Khi lập gia đình riêng, cô cũng chấp nhận xa tổ ấm nhỏ của mình, xa con thơ khi vẫn còn khát dòng sữa mẹ.

Có thâm niên 12 năm công tác trong nghề,  cô Hè đã bám bản dạy học 10 năm ở xã Đình Phùng này. Do điều kiện công tác xa nhà, nên hai vợ chồng cô rất ít khi gặp nhau. Trước đây chồng cô cũng công tác ở tận Hà Giang, nên khoảng 2 tháng vợ chồng cô mới được gặp nhau 1 lần. Năm 2020, chồng cô được chuyển về công tác tại Trường THCS huyện Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng, nhưng do chỉ được nghỉ Chủ nhật, nên vợ chồng cô cũng ít có dịp được gặp nhau. Các con cô đứa lớn học lớp 3, đứa bé 4 tuổi, cũng phải gửi ở nhà cho ông bà nội chăm sóc.

“Nhiều lúc tủi thân lắm và rất muốn ở gần nhà, nhưng vì điều kiện công tác, nhiều đồng nghiệp khác cũng khó khăn như mình, nên phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lâu dần thành quen, nhìn thấy cuộc sống khó khăn của người dân, thấy được sự cần thiết của tình thương yêu, giá trị của con chữ đối với các cháu nhỏ nơi đây, nên mình lại muốn ở lại cống hiến và phấn đấu”, cô Hè chia sẻ.

Các em học sinh hồn nhiên đọc sách sau giờ học
Điều mà thầy cô vui nhất là các em học sinh ở Phiêng Chầu 2 giờ đây rất thích đến trường để học chữ (Trong ảnh: Sau giờ học các em con nán lại đọc sách)

Cả điểm trường có 6 giáo viên, thì có đến 5 thầy cô là người ở địa phương khác đến bám bản gieo chữ. Người ở tận Trùng Khánh, Hòa An, TP. Cao Bằng…; Đến chiều thứ Sáu, các thầy cô lại ngồi lên chiếc xe máy cọc cạch vượt đường đèo trở về nhà. Nhà thầy cô nào gần nhất cũng phải hơn 100km, xa nhất là 160km. Khổ nhất là vào mùa mưa. Vì mùa này hay bị sạt lở, nhiều khi chiếc xe bất chợt hỏng giữa đường, các cô phải dắt bộ cả chục cây số mới đến được tiệm sửa xe.

Sau mỗi tuần trở về nhà, các thầy cô lại chở theo lương thực dự trữ để ăn cả tuần. Ở cái nơi núi cao, đèo sâu này, hạnh phúc gia đình, hay những bữa cơm sum vầy là điều xa xỉ đối với những thầy cô cắm bản. Vì điều kiện công tác, nhiều thầy cô gạt nước mắt xa gia đình, ở lại cắm bản cho giấc mơ con chữ của những học trò được trọn vẹn.

Nói về những khó khăn thiếu thốn của các cô giáo cắm bản, Chủ tịch UBND xã Đình Phùng, Đặng Triều Phụng cho biết: Cả xã có 5 điểm trường tiểu học, thì có tới 3 điểm trường chưa có nhà công vụ, ở những điểm trường xa hơn vẫn chưa có điện lưới. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, nhưng vẫn chưa có nguồn vốn để đầu tư xây dựng.

Có hàng trăm nỗi khổ và không thể đo đếm được những vất vả của các thầy cô giáo “cắm bản”. Nhưng tình yêu nghề, mến trẻ, các thầy cô giáo vẫn cần mẫn lấp đầy những khó khăn bằng kiến thức, niềm hy vọng, niềm tin vào tương lai tươi sáng của học sinh thân yêu.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.