Yên địa bàn để làm du lịch
Tôi đã từng “lạc lối” ở “Cổng trời” Mường Lống, cũng bởi nơi ấy vừa cuốn hút, vừa kỳ vĩ, nên thơ. Mùa Xuân lên Mường Lống, chẳng ai nỡ rời mắt khỏi những vườn đào, vườn mận đẹp như tranh; những bông lau trắng muốt và hàng dã quỳ vàng ruộm. Còn cảnh sắc thiên nhiên lại rất đỗi hùng vĩ với nhiều hang động đẹp, khí hậu mát mẻ mùa Hè và sương mù bao phủ mùa Đông. Tất nhiên, để đến được “Cổng trời” với “Hoa đào e ấp giọt sương mai/ Mây vờn đỉnh núi chốn bồng lai”, là hàng chục km đường đèo dốc quanh co.
Trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống Lỳ Bá Xồng thì được biết, địa phương đã có hẳn một Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2020 - 2025. Mới nghe qua, rõ là hấp dẫn. Rồi đây, những ưu ái mà thiên nhiên ban tặng cho Mường Lống sẽ được khai thác tối đa để làm du lịch thì còn gì bằng; mà kỳ thú hơn là du lịch ở “Cổng trời” thì càng hấp dẫn.
Khoan hãy nói đến lúc ấy, ngay bây giờ, hãy xem cán bộ, đảng viên và bà con người Mông chuẩn bị gì để “níu” khách du lịch. Ông Lỳ Bá Xồng hào hứng: "Làm du lịch, phát triển kinh tế bằng du lịch thì quá là hay. Nhưng lâu nay địa bàn vẫn còn tệ ma túy, di dịch cư tự phát. Vì thế, phải “yên dân, yên địa bàn” trước đã".
Nói là làm, Đảng bộ và chính quyền xã Mường Lống đã phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, triệt xóa điểm nóng về ma túy trên địa bàn.
Chưa hết, Ban Thường vụ Đảng ủy còn thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng các phương án, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Điểm mấu chốt là, Mường Lống đã xây dựng quy ước riêng và dịch ra tiếng Mông; gắn với đó là các khẩu hiệu, tranh biếm họa về tác hại của ma túy để tuyên truyền vận động người dân. Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng trực tiếp tuyên truyền, vận động tại các thôn bản.
Đồng thời, điều tra số người nghiện, xác định rõ thành phần tham gia buôn bán, tàng trữ; phối hợp với ngành chức năng vây bắt một số đối tượng cầm đầu tại địa bàn và ngoài địa bàn để răn đe, vận động đưa các đối tượng đi cai nghiện.
Nay, Mường Lống đã bình yên. Những cụm dân cư từng là điểm nóng về ma túy như bản Xám Xúm, Mường Lống 2, Long Kèo… đã được kiểm soát. Ngay tại bản Xám Xúm, UBND xã đã có hẳn bản quy ước với nhiều nội dung chặt chẽ như không mua bán, trao đổi, ai vi phạm thì bị phạt… ; đồng thời, yêu cầu chi bộ, ban quản lý thôn bản phối hợp các hội đoàn thể của xã vào cuộc tuyên truyền. Và, Xám Xúm đã thay đổi.Trong từng nếp nhà, các câu khẩu hiệu phòng chống ma túy được người dân treo và nghiêm túc thực hiện.
Để chấm dứt di cư tự phát, bên cạnh sự giúp đỡ của xã, Chi bộ bản Tham Lực quy định 1 quý, phải sinh hoạt mở rộng một lần để tuyên truyền giáo dục pháp luật cho cán bộ đảng viên và Nhân dân. Qua mỗi lần sinh hoạt đều phân tích, nhận định tình hình, đưa ra giải pháp giáo dục một số đối tượng đang dính vào ma túy hoặc có ý định tham gia ma túy; vận động, tuyên truyền một số hộ dân có tư tưởng muốn di cư sang Lào từ bỏ ý định.
Làm kinh tế nơi “Cổng trời”
Trong rất nhiều niềm vui đang đến với bà con người Mông nơi “Cổng trời”, là những mô hình kinh tế mới đang phát huy hiệu quả.
Nhận thấy rõ tiềm năng vừa phát triển kinh tế vừa làm du lịch, cấp ủy, chính quyền xã Mường Lống đã đổi mới tư duy, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp, các nhà kinh tế đến đầu tư trên địa bàn. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, như Công ty Dược liệu Mường Lống, Hợp tác xã Bảo tồn đào, mận Mường Lống, khảo sát đầu tư du lịch cộng đồng…
Tôi thực sự ấn tượng khi bà con đã đầu tư hẳn một số tuyến đường đến khu sản xuất để vận chuyển sản phẩm được dễ dàng. Bà con hiện đã mở được 5 km đường vào bản Thà Lạng, 840 m đường bê tông bao quanh bản và 2 km vào khu sản xuất bản Trung tâm, 1,7 km vào khu sản xuất bản Mường Lống 2… và 10 tuyến đường ô tô đi vào các khu sản xuất, chăn nuôi, với tổng chiều dài 25,9 km, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vận chuyển hàng nông sản đi tiêu thụ, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Bà con người Mông nơi đây đã có mô hình trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi bò với hàng trăm ha cỏ, thu hút khoảng 600 hộ tham gia; mô hình chăn nuôi gà đen với sự ra đời của chi hội chăn nuôi gà đen có sự tham gia của gần 20 hộ tại bản Mường Lống 1.
Người tiên phong với mô hình nuôi gà đen địa phương là ông Vừ Nỏ Pó ở bản Mường Lống 1. Ông Pó kể: "Có thời điểm đàn gà của ta hơn 1.000 con đấy. Mỗi năm cho thu nhập từ gà gần 300 triệu đồng, vui lắm".
Theo thống kê, địa phương đã có khoảng 250 hộ dân tham gia vỗ béo trâu bò làm thương phẩm, trung bình mỗi gia đình nuôi 3 - 10 con trâu bò, thu nhập mỗi năm từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng. Nói đến nghề này, gia đình ông Vừ Vả Dờ ở bản Mường Lống 1 là một điển hình. Ngoài vỗ béo hơn chục con bò, gia đình ông còn trồng cỏ voi. Ông Dờ cười: "Làm chơi mà ăn thật, bình quân mỗi con bò thu lãi 15 - 20 triệu đồng đấy. Mỗi năm nhà ta nuôi gần 8 lứa mà".
Đời sống kinh tế, xã hội bà con người Mông ở Mường Lống đã thay đổi rất nhiều. Bên cạnh chăn nuôi được xem là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn với 830 con trâu, 2.966 con bò, 462 con lợn, 393 con dê, 13.948 con gia cầm… người dân Mường Lống còn tích cực trồng đậu cove, dưa chuột, bắp cải, rau cải, gừng và các loại cây ăn quả dưa, mận, đào… tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài huyện.
Kể về hành trình “đuổi nghèo” nơi “Cổng trời”, Bí thư Đảng ủy Lỳ Bá Xồng chậm rãi: "Còn muôn vàn khó khăn, trở ngại. Còn nhiều việc phải làm mà! Thời gian tới, cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải cố gắng nhiều nữa. Chính quyền sẽ đưa vào thêm nhiều mô hình kinh tế vào triển khai, hỗ trợ bà con về khoa học - kỹ thuật, đồng thời liên kết với nhiều doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất phát triển".