Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gian nan sự học nơi “cổng trời” Tu Mơ Rông

PV - 14:07, 01/06/2018

Phòng học tạm xập xệ, thiếu nhà vệ sinh, nước sạch… học sinh thường xuyên nghỉ học. Dù gian nan như vậy, nhưng các thầy cô giáo trên cổng trời Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) vẫn bám làng, bám lớp vì học trò nghèo.

Tu Mơ Rông là huyện nghèo của tỉnh Kon Tum. Ở độ cao hàng nghìn mét, nơi đây được ví như “cổng trời” với đồi núi trập trùng, dân cư chủ yếu đồng bào DTTS cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Tình trạng học sinh bỏ học diễn ra thường xuyên nên ngoài buổi dạy, các thầy cô giáo phải băng rừng, lội suối đến tận nhà vận động học sinh đến lớp.

Phòng học tạm bợ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng. Phòng học tạm bợ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng.

 

Băng qua nhiều quả đồi uốn lượn, đến được Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Măng Ri, xã Măng Ri trời đã chập choạng tối. Một số thầy cô giáo của trường đang chuẩn bị tư trang, xe máy, áo ấm và đèn pin để đến nhà những học sinh nghỉ học không rõ lý do. Thầy Tưởng Văn Quang, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Mấy hôm trước, Y Bưới nghỉ học không có lý do, chúng tôi đến nhà vận động em đã đi học lại, không hiểu vì sao hôm nay em lại không đến lớp. Trường cũng đã liên hệ với cán bộ xã để phối hợp cùng đến nhà tìm hiểu lý do để thuyết phục, tháo gỡ.

Thầy Tưởng Văn Quang cho biết thêm: Trường có 144 học sinh. Có em nhà ở xa trường cả 6km và phải đi bộ để đến trường, mùa nắng còn đỡ, ngày mưa các em thường nghỉ học. Đây là khu vực dân cư thưa, các em đi học không đều nên nhiều năm nay, Ban Giám hiệu nhà trường đã quán triệt các giáo viên có học sinh nghỉ học là phải báo ngay để kịp thời vận động các em trở lại trường. “Tôi công tác ở đây nhiều năm rồi, chẳng nhớ đã đi vận động học sinh bao nhiều lần, hễ thấy học sinh nghỉ học là bố trí đi ngay, nhiều hôm chẳng kịp ăn tối” thầy Quang nói.

Theo ông Lê Văn Hoàn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông thì trên địa bàn có 34 đơn vị trường học với 91 điểm trường. Trong đó có hơn 60 điểm trường thiếu nước và nhà vệ sinh xuống cấp, chủ yếu rơi vào các trường học vùng sâu, điều kiện kinh tế của người dân khó khăn. Nhiều nơi thiếu phòng học nên phải mượn tạm phòng của UBND xã hoặc nhà văn hóa xã, thôn làm lớp học. Nhưng tâm huyết với học sinh, dù điều kiện thiếu thốn đủ bề các thầy cô vẫn một lòng bám làng, dạy chữ.

Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Văn Xuôi đi xin nước. Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Văn Xuôi đi xin nước.

 

Điển hình như, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng, xã Tê Xăng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn đủ bề. Thầy A Vôn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tê Xăng cho biết: Hiện nay, chúng tôi vẫn đang phải sử dụng 2 phòng học lụp xụp bằng phên gỗ cũ tạm bợ rất khổ sở, trời mưa thì nước chảy vào phòng nhếch nhác, bẩn thỉu, còn ngày đông thì gió lùa giá buốt... Ngoài việc dùng phòng tạm bợ, nhà trường còn phải mượn UBND xã 1 phòng làm lớp học, 2 phòng làm chỗ ở cho giáo viên và mượn thêm nhà sàn của dân mới đủ chỗ ở. Phòng học còn thiếu thì nhà vệ sinh cũng chỉ quay bằng tôn tạm, giáo viên và học sinh phải nhường nhau.

Còn giáo viên của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Văn Xuôi, xã Văn Xuôi cũng chịu khổ không kém. Thầy Lê Văn Giang, Hiệu phó nhà trường chia sẻ: thiếu nước là vấn đề khó khăn nhất của trường. Hiện, các thầy cô giáo và học sinh đều đang sử dụng giếng đào nhưng không đủ nước nên các thầy cô phải qua nhà dân xin hoặc hứng nước mưa để dùng. Có thời điểm, các thầy cô còn phải xuống suối lấy nước tắm giặt.

Trao đổi về thực trạng và giải pháp khắc phục thực tế này, ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay: Những năm gần đây, huyện cũng đã quan tâm thường xuyên đến việc xây dựng cơ sở vật chất trường học cho các xã vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tại một số điểm trường thiếu phòng học, UBND huyện đã giao xã và Phòng GD&ĐT tìm đất xây dựng. Còn việc thiếu nhà vệ sinh và nước, UBND huyện đã đi khảo sát để từng bước khắc phục.

Được biết, trong năm 2017, huyện cũng đã đầu tư 3 tỷ đồng để sửa chữa và xây mới nhà vệ sinh, đường ống nước. Mới đây, UBND tỉnh đã cấp hơn 2,7 tỷ đồng để tiếp tục làm các nhà vệ sinh ở các điểm trường. Trong năm 2018, huyện tiếp tục đầu tư cho các điểm trường còn lại, dự kiến đến năm 2019 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước và nhà vệ sinh tại các trường học trên địa bàn huyện.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.