Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

An cư bên dốc “cổng trời” Cha Lo

Khánh Ngân - 17:29, 23/11/2021

Ngược dãy Giăng Màn khi những tia nắng đã xuyên qua màn sương sớm, chúng tôi về thăm bà con người Chứt ở khu tái định cư trên "cổng trời " Cha Lo.

 34 hộ gia đình người Chứt ở bản Cha Lo (xã Dân Hóa) đã vào nhà mới, nỗi lo lở núi, trôi nhà sẽ mãi mãi để lại nơi bản cũ
34 hộ gia đình người Chứt ở bản Cha Lo (xã Dân Hóa) đã vào nhà mới, nỗi lo lở núi, trôi nhà sẽ mãi mãi để lại nơi bản cũ

Hết nỗi lo sạt lở

Khu tái định cư (TĐC) của đồng bào Chứt ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã hoàn thành. Sau hơn 1 năm phải đi ở nhờ, giờ đây 34 hộ gia đình người Chứt đã dọn vào nhà mới, an cư trong nhưng căn nhà mới. Mỗi mùa mưa lũ về, người Chứt ở Cha Lo không còn cánh cánh nỗi sợ sạt lở, trôi nhà!

Bản Cha Lo cũ, người Chứt định cư tại Km 137, cuối Quốc lộ 12A đã hơn 20 năm nay. Năm 2019, ở 2 quả đồi phía sau bản xuất hiện 2 vết nứt kéo dài, có chiều rộng từ 30 - 40m. Đồi nứt, người dân ở bản Cha Lo vô cùng lo lắng, sợ đất lở, nhà trôi, chính quyền địa phương cũng thấp thỏm vì sự an toàn của đồng bào.

Bản Cha Lo (địa điểm cũ) đã không còn là nơi an cư an toàn vì nguy cơ lở núi
Bản Cha Lo (cũ) , nơi có nguy cơ sạt lở rất cao

Tháng 10/2020, trước tình hình mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở rất cao, nguy hiểm đến tính mạng của người dân, chính quyền địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đã phải tổ chức di dời dân. Từ đó, 34 hộ dân với 132 nhân khẩu ở bản Cha Lo phải chia ra ở ghép với bà con các bản Bãi Dinh, Ka Ai xã Dân Hóa.

Cha Lo không còn là nơi ở an toàn cho người Chứt. Không để bà con phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu, ăn nhờ ở đậu, lũ đi qua, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều lần khảo sát, với sự thống nhất của người dân bản Cha Lo. Bãi đất bằng rộng 5ha bên dốc “cổng trời” được chọn làm ở mới.

Khu TĐC bản Cha Lo được quy hoạch rộng 4,7ha, bao gồm diện tích làm nhà ở cho 34 hộ gia đình và công trình đường giao thông. Theo thiết kế, mỗi ngôi nhà có diện tích 50m2, trụ đổ bê tông, tường xây bằng gạch, mái lợp tôn chống nóng, tổng trị giá 150 triệu đồng. Đây là nguồn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn đối ứng của địa phương Minh Hóa.

Đầu năm 2021, khu TĐC bản Cha Lo được khởi công xây dựng. Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, huy động tối đa phương tiện, con người của nhà thầu thi công, rồi khu TĐC cũng cơ bản hoàn thành. Hơn 1 năm phải di tán đi “ăn nhờ, ở đậu”, dù nhận được sự cưu mang, đùm bọc của bà con dân bản, chính quyền địa phương hỗ trợ lương thực đầy đủ, nhưng chưa được an cư, nên người Chứt ở bản Cha Lo vẫn cảm thấy bất tiện và lo lắng. Niềm vui lớn đã đến, giờ đây 34 hộ dân ở bản Cha Lo đã được vào nhà mới của chính mình.

Ông Hồ Thông, Bí thư Chi bộ bản Cha Lo vui mừng: “Người Chứt đã ưng cái bụng. từ nay chúng tôi không còn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ lở đất, trôi nhà. Không biết nói gì hơn, chúng tôi chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước, các nhà tài trợ đã quan tâm, giúp đỡ”.

Vợ và các con anh Hồ Hạnh đã được ở trong ngôi nhà mơ ước
Vợ và các con anh Hồ Hạnh đã được ở trong ngôi nhà mơ ước

Niềm vui trong ngôi nhà mới

Theo Quốc lộ 12A, lên đến đỉnh dãy Giăng Màn, con đường rẽ vào khu TĐC của người dân ở bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa cũng vừa mới hoàn thành. Phía trước, những ngôi nhà kiên cố, sơn xanh hài hòa giữa nền núi rừng xanh thẳm. Người Chứt ở bản Cha Lo đã dọn vào nhà mới, niềm vui như lan tỏa khắp bản làng.

Từ ngày được dọn về ở trong ngôi nhà mới, anh Hồ Hạnh lúc nào cũng luôn tay luôn chân. Hết giúp thợ làm thêm cái giàn mát trước sân, anh chuyển sang lau sàn, sắp đặt lại đồ đạc trong nhà cho gọn gàng, rồi lại ra trước ngõ trồng cây… Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt rạng rỡ, anh Hạnh chia sẻ: “Gia đình miềng (mình - pv) khó khăn lắm, chẳng bao giờ mơ được ở trong một ngôi nhà mới như thế này. Trước đây ở trên bản cũ, mỗi khi có mưa, đặc biệt là vào ban đêm thì không dám ngủ”.

Bản mới Cha Lo, như một tổ dân phố với nhà cửa quần tụ san sát. Đường được đổ bê tông từ quốc lộ vào đến sân nhà. Điện, nước được đầu tư đồng bộ, kéo về tận mỗi hộ gia đình.

Các hộ gia đình đã vào nhà mới, đang tiến hành làm thêm khuôn viên, sân vườn
Các hộ gia đình đã vào nhà mới, đang tiến hành làm thêm khuôn viên, sân vườn

Cách nhà anh Hạnh mấy căn nhà, gia đình chị Hồ Thị Ka cũng đã chuyển vào nhà mới. Vợ chồng chị Ka vừa kết hôn thì chồng chị lên đường nhập ngũ, đóng quân ở tỉnh Thanh Hóa. Do dịch Covid-19 nên chồng chị Ka không về phép thăm nhà được. Ngày chồng chị lên đường nhập ngũ, bản Cha Lo mới vẫn chưa được khởi công xây dựng, chị Ka vẫn phải ở nhờ ở nhà bà con. Khi được bàn giao nhà mới, chị Ka mừng lắm, lập tức gọi điện khoe với chồng.

"Chồng em mừng lắm. Anh ấy nói, vậy là anh có thể yên tâm công tác. Không phải lo lắng nhiều cho vợ, người thân ở quê mỗi lần nghe thông tin mưa bão nữa!", người vợ trẻ Hồ Thị Ka mắt ngấn lệ.

Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cũng phấn khởi: “Đến thời điểm này, tất cả 34 hộ dân đã dọn về ở nhà mới. Ai cũng vui mừng khi được sống trong những căn nhà khang trang, an toàn hơn. Tuy nhiên, tại bản mới chưa có quỹ đất, nên bà con vẫn duy trì sản xuất ở bản cũ cách nơi ở mới khoảng 3km”.

Dốc “cổng trời”, nơi an cư mới của người Chứt như đang báo hiệu một sự khởi đầu đầy hứa hẹn. Dẫu biết rằng phía trước còn đó nhiều sự lo toan và bộn bề của cuộc sống, nhưng chúng tôi đã thấy sự bình yên ở những ngôi nhà mới. Trong ánh mắt của người Chứt ở bản Cha Lo lóe lên một niềm tin và hy vọng về một cuộc sống ấm no.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.