Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

“Dân hưởng lợi chung, sao mình lại tiếc...”

Phạm Việt Thắng - 19:05, 13/10/2021

“Ông không tiếc chi mô, nếu tiếc thì đã không hiến đất. Nhà nước làm kè chống sạt lở, người dân được hưởng lợi chung, tại sao mình phải tiếc…”. Đó là lời ông Nguyễn Xuân Lâm ở khối 2, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Không riêng gì ông Lâm, mà hỏi bất kỳ ai ở đây, họ cũng đều vui vẻ trả lời: Hiến đất để được lợi chung!

Dự án kè đê sông Hiếu đã làm đẹp thêm diện mạo thị trấn Tân Lạc
Dự án kè đê sông Hiếu đã làm đẹp thêm diện mạo thị trấn Tân Lạc

Dự án trọng điểm

Bao quanh thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu là dòng sông Hiếu, lúc hiền hòa, khi dữ tợn. Mùa mưa lũ, chính dòng sông này đã nuốt trôi không biết cơ man nào là đất đai, hoa màu của bà con. Đó là chưa kể, nếu sạt lở thì mố cầu Kẻ Bọn sẽ bị cuốn phăng, cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch - Quốc lộ 48. Vì thế, Dự án xây kè sông Hiếu, đoạn qua thị trấn Tân Lạc không chỉ bảo vệ đất đai, tài sản và tính mạng của hơn 1.200 hộ dân thuộc 2 tổ dân cư, 11 bản, mà còn bảo vệ tuyến giao thông quan trọng. Dự án này bởi vậy mà được huyện Quỳ Châu xác định là trọng điểm.

Ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tuyến bờ kè có chiều dài hơn 5,7km, tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Hiện nay, giai đoạn 1 của Dự án cơ bản được hoàn thành. Cũng theo ông Hoài, đối ứng của huyện đối với Dự án là giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, huyện nghèo như Quỳ Châu thì sao đủ kinh phí để đền bù những 600.000 m2 đất cho dân. Không còn cách nào khác, huyện phải tính đến phương án kêu gọi Nhân dân hiến đất để thực hiện Dự án.

“Bà con đã đồng lòng gần như tuyệt đối, không một phản ứng nào xảy ra và Dự án đã triển khai an toàn, đúng tiến độ”, ông Hoài chưa hết mừng vui. Cách làm của Quỳ Châu chủ yếu là tuyên truyền, vận động, nói với dân rành rọt về ích lợi, ý nghĩa của Dự án; hứa với dân chân thành về tiến độ, chất lượng của Dự án, đồng thời tuyên dương, khen thưởng những gương sáng điển hình…

Nhắc đến Dự án xây dựng bờ kè sông Hiếu, ông Thái Bá Thành - cán bộ địa chính thị trấn Tân Lạc cũng chưa thôi xúc động: “Tôi đã có hơn 10 năm công tác ở nhiều xã khác nhau, nhưng chưa bao giờ có một cuộc hiến đất nhiều, đồng thuận đến vậy. Dự những buổi họp dân, chứng kiến tinh thần của bà con mà xúc động vô cùng”. Ông Thành rưng rưng: "Chính vì thế mà chúng tôi đã cố gắng hết sức để Dự án hoàn thành nhanh nhất có thể".

Còn ông Lang Văn Khầm, Trưởng bản Kẻ Bọn thì oang oang: "Các nơi khác phải họp dân đến mấy lần, riêng bản ta chỉ hai buổi họp là bà con thi nhau hiến đất. Ta nói với dân, mai này bản Kẻ Bọn cũng sẽ là thị trấn. Ta hiến đất để thị trấn đẹp hơn, để bà con ta được an toàn hơn, thế là ai cũng ưng cái bụng".

Cận cảnh một đoạn đường kè đầy ý nghĩa
Cận cảnh một đoạn đường kè đầy ý nghĩa

Lòng dân rộng mở

Phải qua rất nhiều ngõ ngách, chúng tôi mới đến được nhà ông Nguyễn Xuân Lâm ở khối 2, thị trấn Tân Lạc. Ông Lâm năm nay đã 73 tuổi, gia đình là hộ cận nghèo. Ông rất yếu, vì chứng đau thấp khớp tái phát. Dù đau lắm nhưng khi nói đến việc hiến đất, ông cười rõ tươi: “Nhà nước xây kè để chống sạt lở, người dân được hưởng lợi chung, trong đó có nhà mình, thế là tôi hiến thôi. Tôi nói với cán bộ, Dự án cần bao nhiêu đất tôi sẵn sàng hiến bấy nhiêu. Sau khi đo đạc, họ nói cần 2.400 m2, tôi đồng ý liền”.

Ông Nguyễn Xuân Lâm, ở khối 2, thị trấn Tân Lạc: “Người dân được hưởng lợi chung, tại sao mình phải tiếc”
Ông Nguyễn Xuân Lâm, ở khối 2, thị trấn Tân Lạc: “Người dân được hưởng lợi chung, tại sao mình phải tiếc”

- Thưa ông, bà nhà và các con có đồng thuận, có ai tiếc nuối gì không ạ?

- Đi họp về, tôi bàn với vợ con, đồng ý hết. Vì lợi chung, có chi mà phải tiếc.

Cạnh nhà ông Lâm là nhà chị Trần Thị Thu. Gia đình chị có 5 sào đất sát bờ sông Hiếu. Mùa nào thức nấy, 5 sào đất ấy đủ cung cấp lương thực cho gia đình. Thế mà, anh chị cũng đã vui vẻ hiến tất tần tật, không một lời phàn nàn. 

Chị tâm sự: “Nói không tiếc đất là không đúng. Nhưng mình thấy Nhà nước làm công trình là lo cho sự an toàn của dân, vả lại bà con ở đây ai cũng tự nguyện hiến đất nên mình cũng xung phong hiến thôi”.

Cũng theo chị Thu, hiện gia đình chị chỉ còn đúng 1 sào ruộng nước, thế nên anh chị làm thêm nghề đóng gạch táp lô, anh thì tranh thủ chài lưới ven sông Hiếu để kiếm thêm thu nhập. “Bây giờ ra bờ sông đẹp lắm, đường thì đổ bê tông, lại có lan can bảo vệ, cứ chiều chiều bà con thị trấn ra đó đi bộ đông lắm”, chị Thu nói về Dự án.

Lời của Trưởng bản Lang Văn Khầm đã thôi thúc chúng tôi tìm gặp ông Lang Văn Thái, người mở đầu cho “công cuộc” hiến đất này. Ông Thái cười hiền từ: “Nhà mình có khoảng 1 ha đất ở thị trấn Tân Lạc. Khi có chủ trương vận động bà con hiến đất để xây bờ kè, mình sẵn sàng hiến ngay 3.000 m2. Tới đây, khi triển khai giai đoạn 2 của Dự án, mình hiến tiếp 2.000 m2 nữa. Mình được cán bộ nói rằng, xây bờ kè lên, thị trấn sẽ đẹp đẽ, bờ sông không bị sạt lở, nên không hề tiếc gì chừng đó đất. Giờ bờ kè đã xây được một phần, đúng là đẹp thật. Mình tin lời cán bộ, nên mình sẽ hiến tiếp”.

Mặt trời đứng bóng, nắng chói chang nhưng chúng tôi không thể không rảo bước một đoạn đường trên bờ kè đầy ý nghĩa này. Lời cán bộ địa chính Thái Bá Thành cũng chính là triết lý ngàn đời nay: “Khi dân đã tin thì họ không tiếc gì cả đâu”!

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.