Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện cổ tích ở bản Đồng Tiến

PV - 10:28, 16/10/2020

Nơi ấy, có một người sẵn sàng bỏ tiền túi, thậm chí vay mượn tiền bạc để giúp người nghèo dựng nhà. Cũng chính con người ấy tiên phong phát triển kinh tế, vận động người dân hiến đất, mở đường vào bản. Nhiều lần từ chối nhưng anh vẫn được dân bản bầu chọn vào Ban Thanh tra Nhân dân, hòa giải viên, Người có uy tín của bản. Ấy là Lương Văn Bốn, người con bản Đồng Tiến, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An).

Anh Lương Văn Bốn thu hoạch mét (luồng) của gia đình.
Anh Lương Văn Bốn thu hoạch mét (luồng) của gia đình.

“Điểm tựa” của người nghèo

Đồng Tiến là bản nằm ở phía bên kia sông Lam, thuộc xã Lạng Khê, xã vùng xa của huyện miền núi Con Cuông. Xa trung tâm huyện, giao thông cách trở, nên cuộc sống của bà con nơi đây còn rất khó khăn.

Lo miếng ăn, cái mặc hằng ngày đã vất vả; tính chuyện tích cóp để sửa sang nhà cửa là điều quá khó đối với những hộ nghèo ở bản Đồng Tiến. Thấy nhiều người nghèo trong bản phải ở trong những căn nhà xuống cấp, nguy hiểm rình rập khi mưa bão về, Lương Văn Bốn đã bàn với vợ cho họ vay mượn tiền để sửa sang, làm mới nhà cửa. Anh Bốn trải lòng: “Hồi nhỏ, nhà tôi rất nghèo, phải ở trong căn nhà vừa dột vừa nát. Ước mơ có một căn nhà chắc chắn để ở đã theo suốt tuổi thơ tôi. Vì vậy, khi thấy người nào không có điều kiện, phải sống trong căn nhà dột nát, mình không đành lòng. Vậy là khả năng đến đâu thì giúp đến đấy”.

Khó đâu gỡ đó, nguồn tiền anh Bốn cho người dân vay mượn có khi là tiền vốn làm ăn của gia đình, có khi là tiền vay mượn anh em, bạn bè. Ngoài việc cho người nghèo vay tiền không tính lãi để sửa và làm nhà, anh Bốn còn đứng ra chịu nợ vật liệu xây dựng giúp người nghèo làm nhà.

Bằng nhiều cách khác nhau, gần 10 năm qua, gần 50 hộ nghèo ở bản Đồng Tiến đã được anh giúp đỡ để có cơ hội sửa sang lại nhà cửa. Có những hộ gia đình, anh Bốn đã cho vay đến hơn 300 triệu đồng. Nay, số tiền mọi người thiếu nợ anh cũng ngót 600 triệu đồng. Điều rất ít người làm được, ấy là anh không hề thúc giục người vay trả nợ. Người có điều kiện thì trả nhanh, người không có điều kiện thì rất nhiều năm sau mới trả hết. Thế nhưng, cả người cho vay và người được vay ai cũng hồ hởi, vui mừng. “Họ đã nghèo, mình giúp là vì cái tâm nên lúc nào có họ trả cũng được”, anh Bốn cười hồn hậu.

Ở Đồng Tiến, anh Lương Văn Bốn là người tiên phong trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Ngoài 2 máy kéo chở thuê, gian hàng tạp hóa, dịch vụ cho thuê rạp đám cưới, gia đình anh còn chăn nuôi trâu, bò, trồng gần 20ha mét (luồng), 7ha keo… hằng năm cho thu nhập ổn định; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương.

Có thời điểm kẹt tiền, phía các cửa hàng bán vật liệu xây dựng và ngân hàng thúc giục, anh Bốn đã phải bán bớt trâu, bò hoặc keo, mét của gia đình để trả nợ. Dù vất vả, thậm chí có thời điểm khó khăn, nhưng chưa bao giờ anh thôi ý nghĩ giúp đỡ người khác.

Kể về “công dân đặc biệt” này, bà Lô Thị Thủy, Chủ tịch xã Lạng Khê tự hào: “Anh ấy rất được việc, sống có trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Giá như bản nào cũng có những người như anh Bốn thì hay biết bao”.

Mọi người vui thì mình vui

Dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì người nghèo, sống có trách nhiệm với cộng đồng, anh Bốn đã được người dân bản Đồng Tiến bầu là Hòa giải viên và Người có uy tín của bản. Chức danh không lương ấy khiến anh thêm bận, nhưng bù lại anh có thêm niềm vui, hạnh phúc từ đó. Nói với chúng tôi nhưng dường như anh độc thoại với chính mình: “Giúp mọi người cũng là giúp mình có thêm niềm vui. Mọi người vui thì mình cũng vui”.

Đồng Tiến là một trong những bản chịu ảnh hưởng của Thủy điện Chi Khê và Khe Thơi. Quá trình kiểm đếm đền bù, giải phóng mặt bằng của hai công trình này đã có lúc xảy ra tranh chấp phức tạp. Bằng chính uy tín của mình, anh Bốn đã cùng ban cán sự thôn, bản và lãnh đạo địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để tuyên truyền, vận động. Sự vào cuộc kịp thời đã giúp người dân Đồng Tiến tránh được những tranh chấp, khiếu kiện, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.

Bà Lô Thị Thủy, Chủ tịch xã Lạng Khê, huyện Con Cuông kể: Đã có nhiều vụ việc bất hòa tại bản được anh Bốn hòa giải thành công. Anh ấy là nhân tố điển hình trong các phong trào của địa phương. Có thêm lời nói của anh, nhiều người dân vui vẻ hiến đất, dỡ bờ rào, chặt cây để làm đường. Có thêm hành động của anh, người dân đã góp sức, góp công mở rộng thêm trục đường chính, làm sân thể thao của bản…

Anh ấy là nhân tố điển hình trong các phong trào của địa phương. Có thêm lời nói của anh, nhiều người dân vui vẻ hiến đất, dỡ bờ rào, chặt cây để làm đường. Anh ấy rất được việc, sống có trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Giá như bản nào cũng có những người như anh Bốn thì hay biết bao”.

Bà Lô Thị Thủy Chủ tịch xã Lạng Khê

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.